Trời tờ mờ sáng mà sương mù dày đặc vẫn ôm ấp lấy những dãy núi còn đang say ngủ, cả thị trấn yên tĩnh đợi đến khi Mặt Trời ló rạng mới cất tiếng chào ngày mới đầu tiên. Ấy vậy mà từ xa xa, đã rục rịch nghe lao xao tiếng chim hót đầu ngày, đàn Altaria rộ lên tiếng hát ngân nga từ núi cao chót vót. Trên mái nhà, những con Pidove gù gù như có vẻ vẫn chưa tỉnh ngủ. Và trên những tán Oran, Fletchling cũng thức giấc, hòa theo dòng chảy của ngày mới, đôi chân bé xíu chuyền từ cành này sang cành khác, líu lo như đứa trẻ con quấn quýt bên mẹ.
Cây Oran đã ở đây lâu lắm rồi, nó như một người bạn, một người đồng hương của thị trấn. Ngày Xuân, những chùm Oran bấy giờ mới chỉ là những nụ hoa nhỏ xíu, trắng muốt. Mùi hương hoa Oran dịu ngọt, chứ không gay gắt như Ice Berry, đêm đến, mùi Oran tỏa ra càng nhiều, càng khiến đầu óc người ta trầm mặc suy tư. Người đi đâu cũng hay bảo với nhau: “Đi trên đường mà thấy mùi Oran thoang thoảng là biết Xuân về”. Ngày hạ đến, những tán cây bung rộ trong cái nắng gay gắt ngày hè, nắng hè chiếu xuống những tán lá xanh màu cốm lấp lánh như môt bức mạc hoạ. Ẩn lấp trong cái màu cốm ấy là cái màu xanh đặc trưng của những quả Oran chín, không như hoa, trái Oran chỉ tỏa ra mùi thoang thoảng, mà đến khi bổ ra thì một mùi thơm lừng sộc vào hai cánh mũi.
Cây Oran vẫn luôn như thế, nó luôn là một người tri kỷ gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Đã từ lâu, người dân thị trấn đã quen với cây Oran sừng sững này, ấy vậy mà đâu có ai biết. Oran là bạn của người dân, còn chú Fletchling bé nhỏ làm tổ trên cây này lại là bạn của Oran.
Fletchling bé loắt choắt, đôi chân nhỏ xíu như 2 que tăm, ấy vậy mà chuyền đi chuyền lại qua các cành nhanh lắm. Chú chim nhỏ này yêu thương cây Oran bằng cách yêu thương mọi người xung quanh nó. Nhớ có lần có nhóc Spewpa đang độ lớn, nhóc cần một nơi yên ả để bắt đầu quá trình tiến hóa, Fletchling cũng chẳng nề gì, chú ta quan điểm cây Oran là của chung mọi người. Nhờ thế mà nhóc Spewpa ngày nào giờ đã hóa thành nàng Vivillon xinh đẹp từ tán cây Oran ấy. Rồi cũng một lần khác, có anh chàng huấn luyện viên từ nơi xa xôi đến thị trấn. Trên tay anh là con Emolga có vẻ mệt mỏi lắm, xem ra họ cũng vừa trải qua một trận đấu chẳng dễ dàng gì. Ồ thật may sao! Ngay trước cổng thị trấn – Oran vẫn đang sừng sững ở đó. Nó tỏa ra mùi quả chín ngọt lành như mời gọi chàng huấn luyện viên: “Này chàng huấn luyện lạ mặt kia ơi, khoan đi đã, lại đây hái quả ăn cho mát ruột đã nào”.
Fletchling luôn ở đó cùng cây, ngày này qua ngày khác, nó nhìn được hết cách cây đối xử với con người. Và cách con người đối xử với cây. Nhớ có một đợt, có tán học sinh đi qua. Người xưa thường nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” ấy mà chẳng sai. Đám học trò nghịch ngợm, chúng lượm những hòn đá thô kệch ném thẳng lên cây chẳng thương tiếc để cho những quả Oran rụng xuống. Ấy vậy mà chúng nó có biết làm vậy là nguy hiểm lắm đâu. Đá bay vèo vèo như những viên đạn lạc, đá xuyên qua lá, làm những tán cây xanh cốm kia lạo xạo rơi xuống như ngả rạ. Những cành cây kia cũng bị đá làm xao động. Có những cành chắc, cành khỏe thì bị xước xát, làm lộ ra lớp “thịt” màu xanh xanh của cây. Còn những cành già, cành yếu thì gãy rụng xuống, để lại vết thương đau cắt lòng, nhựa cây chảy ra như máu của cây đang rỉ xuống.
Chim nhỏ nhìn thấy, nó không chịu được, bất chấp sự chênh lệch về kích thước mà bay xuống, mổ tới tấp vào đám học trò quỷ kia để đuổi chúng nó đi. Bởi thế mà sau này người ta hay trêu rằng Fletchling là thần bảo hộ của cây Oran này.
Sau vụ đó, ngày nào chim cũng ở với cây, chim dùng chiếc mỏ xinh xắn để quệt vào những vết thương chưa lành kia như một cách an ủi người bạn của mình. Ấy vậy mà, cây Oran luôn có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, chẳng bao lâu sau, từ những vết thương chưa lành ấy, những mầm non lại nhú lên, căng tràn sức sống của cây đi qua năm tháng.
Không ích kỷ, cũng không nhỏ mọn, Fletchling vẫn luôn chia sẻ cây Oran này với mọi người, và nó biết chắc rằng cây cũng muốn nó làm như thế. Bởi nó biết, luôn có người này người kia. Nó làm sao mà quên được bà lão thường xuyên ra tưới nước cho cây vào mỗi chiều thứ bảy. Hay nó quên sao được các anh công nhân công trình cứ mỗi khi tan ca làm lại ra gốc cây này chuyện trò bàn tán làm nó vui lây.
Một chiều nọ, ngày lễ Tết cận kề, các anh công nhân cũng bắt đầu rục rịch nghỉ Tết. Có ba anh công nhân đi với nhau, có vẻ các anh đang đợi tàu để về quê ăn Tết. Trong lúc đợi tàu, họ đứng nghỉ dưới gốc Oran. Một anh trong số họ bỗng lên tiếng:
“Đố các cậu, thành phố Lumiose ở đâu?”
Giây phút im lặng như để tìm kiếm hướng của Lumiose, có một anh dùng cách đoán hướng sao, anh còn lại đoán theo hướng tàu chạy. Cả hai anh đều đúng, ấy vậy mà, chỉ thấy anh công nhân ra câu đố khẽ vuốt lấy tấm thân cây Oran chắc nịch mà tủm tỉm cười:
“Các cậu nhầm hết rồi, Lumiose ở ngay đây chứ đâu?”
Giây phút im lặng của buổi chiều tà lắng xuống, ba anh công nhân im lặng không nói một lời. Nhưng chắc chắn những kỷ niệm bâng khuâng về quê nhà đang bao trùm về tâm trí họ. Họ nhớ Lumiose, nhớ ở đó, gần tháp lăng kính, cũng có một cây Oran đứng đó quanh năm làm đẹp cho đời, cho những dãy nhà chốn thị thành ấy.
Fletchling đứng trên cây nãy giờ, những gì ba anh công nhân nói, nó nghe hết. Bỗng, lòng nó bồn chồn, vậy là nó vừa biết thêm một điều mới lạ, rằng ở tận Lumiose cũng có những cây Oran xanh ngát như thế này. Nhưng mà chim nhỏ tự hỏi, liệu ở đó, cây Oran có được những chú Fletchling chăm sóc không. Chẳng phải người ta hay nói rằng loài Fletchling rất cần thiết đối với các loài cây sao?
Tiếng còi tàu hú lên, chuyến tàu tiếp theo đến rồi, tiếng còi tàu đưa các anh về quê nhà. Hòa trong tiếng tàu inh ỏi là tiếng Fletchling hót ríu rít. Ấy vậy mà, các anh tinh lắm, giữa xô bồ cuối ngày của thị trấn, các anh vẫn nhận ra giọng Fletchling ngay, một anh còn reo lên:
“Đấy! Ở đây cũng có Fletchling nhé!”
Cứ thế, tàu đến, các anh đi. Chỉ có Fletchling cứ đứng trên cành cây, mắt nhìn đăm đăm mãi về phía tàu chạy, cho đến khi chỉ còn nhìn thấy cột khói tàu khuất xa sau dãy núi hùng vĩ….
Tác giả: Hoàng Thị Khánh Linh
TỪ TRANH MINH HỌA – THÀNH CHUYỆN CÙNG KỂ |