GIAO LIÊN CHO NGƯỜI LÍNH

Giao liên cho người lính VPokedex

Có lẽ từ tận khi còn nhỏ nó đã quen với việc nghe kể và ghi chép rồi. Ông trời phú cho nó cái trí nhớ tốt, nhưng lại đi kèm một tuổi thơ chẳng mấy đẹp đẽ gì để phải nhớ. Ngặt nỗi dù có muốn nó cũng chẳng cách nào quên được. Mỗi đêm giật mình thức giấc dưới gốc cây rừng, lặng nghe tiếng gió rít qua các khe suối thê lương như cô hồn dã quỷ chốn âm tỳ, nó vẫn thường vẩn vơ nghĩ vậy. Đã bao nhiêu năm trôi qua từ lúc nó bắt đầu làm cái việc này rồi?

Nó vốn là trẻ mồ côi lang thang đầu đường xó chợ. Từ lúc bắt đầu có ý thức, ấy là thứ nó nhận ra đầu tiên. Bố mẹ nó là ai? Nó không biết, dân ngụ cư cũng không biết, khách vãng lai càng không biết. Cứ mỗi đêm sương lạnh, nó nhét cái cơ thể gầy còm trơ xương của mình nằm chèo queo dưới một gầm cầu dơ bẩn nào đó, giương mắt nhìn ngọn đèn dầu lập lờ trên mũi mấy chiếc ghe tam bản, xuồng nhỏ đi qua cái xóm chợ nổi này hắt lên mặt nước đen ngòm, rọi lên bản mặt nhem nhuốc của nó. Và rồi nó ước gì ngọn đèn ấy cũng có thể chiếu sáng được cuộc đời cũng nốt một màu đen này.

Thật lòng nói, nó không mấy bận tâm đến việc tìm hiểu bố mẹ mình là ai. Dẫu sao là ai chẳng được, chắc gì bọn họ còn sống đâu. Mà nếu sống, chắc gì họ đã cần mình đâu? Nếu cần thì bây giờ nó đã chẳng phải lang bạt như này. Nó nghĩ thế cũng có cái lý riêng… Mỗi ngày, nó ngồi đong đưa chân trên cầu nước bắc ra con kênh quanh co, uốn lượn qua khu chợ nhỏ, đôi mắt ngây thơ mở to quan sát dòng thuyền ken nhau hối hả ngược xuôi. Dưới vòm trời nắng gắt như đổ lửa, nó nhoáng thấy từng giọt mồ hôi chảy dài trên làn da đen đúa, dọc theo cơ thể gầy gò của mấy ông, mấy bác phu thuyền rớt vội xuống nghe tanh tách.

Da họ đen, người họ gầy…. đời họ nghèo và cuộc sống họ khổ. Nó non nhưng không dại, huống hồ đây lại là sự thật chẳng mấy khó khăn để nhận ra. Ở cái thời chiến loạn này, ai mà chẳng khổ?

*****

Tối tối, nó bị cơn đói cồn cào ép phải thức. Một chút cơm thừa vào buổi sáng nào có đủ để yên giấc. Nó đói lả, lê đôi chân lèo khèo như que củi vòng qua đám rác rến, tiến đến quán dì Hoa, một cái quán nhỏ tềnh toàng chắp vá từ phiến tre và cột nứa, cất dựa vào hàng cây đước dọc theo mép kênh.

Dì Hoa dáng người to cộ, tính tình chua ngoa đanh đá, miệng lưỡi sỗ sàng. Có điều nó biết, dì là người tốt. Dù lần nào nó mò đến cũng đều bị dì Hoa chửi, nhưng chửi xong vẫn sẽ dí vào tay nó nắm xôi lạc, gói bánh vụn,….miệng dì chửi, nhưng mắt dì nhìn nó sao mà buồn đến lạ. Ở cái quán này, thi thoảng nó cũng nghe được đôi điều từ mấy người khách vãng lai hay ghé kêu một bầu rượu trắng, vài con khô rồi huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, hôm nay cũng vậy.

Nó liếc thấy hình bóng 2 người thanh niên đang ngồi trong góc quán, được ánh sáng vàng vọt từ chiếc đèn hột vịt chiếu rọi. Một người hớt đầu cua, mặt mũi nom hiền lành thân thiện, người còn lại thì có vết sẹo lớn nham nhở bên má phải. Từ họ toát ra vẻ gì đó rất khác, nhất thời nó không thể nói rõ là khác ở đâu. Có lẽ ở bộ quần áo họ đang mặc rất sạch sẽ chỉn chu chăng? Hay ở cái ánh mắt sáng ngời kiên định hết sức có thần? Nó chưa thấy ai sở hữu ánh mắt ấy từ ngày lang bạt ở chốn này cả.

Cứ thế nó đứng đực ra. Nhìn chăm chú tới nỗi tiếng chửi chát chúa của dì Hoa cũng không lọt vào tai. Dường như cảm giác được ai đó đang lom lom mình, hoặc giả bị tiếng dì Hoa thu hút, 2 người thanh niên ngưng cuộc trò chuyện, đánh hướng qua nó.

Chớm khuya, cái miệt sông nước phủ đầy sương lạnh. Vậy mà vào khoảnh khắc ánh mắt nó và 2 người họ chạm nhau, nó thấy cơ thể mình sao nóng đến lạ.

Chú em bên đó sao cứ nhìn bọn anh kìa, qua đây làm chén rượu xem!”  – Người thanh niên hớt đầu cua tươi cười, ngoắc tay với nó.

Như thể ma rừng xui khiến, nó ngơ ngác gật đầu rồi từng bước rụt rè đi đến chiếc bàn xiêu vẹo trong góc.

Đâu ai làm gì chú em đâu mà trông giống sắp ra pháp trường thế?” – Người thanh niên mặt sẹo bật cười. Nó ngượng ngùng cố sửa dáng đi sao cho hiên ngang nhất có thể. Nhác thấy cảnh đó, người thanh niên càng cười tợn, đến mức vết sẹo to tướng nhăn cả vào nhau méo xệch.

Chú em này thú vị đa!

Thôi, mày đừng làm thằng nhỏ sợ.” – Người thanh niên hớt đầu cua đẩy qua cho nó cái ghế, phất tay ý bảo cứ ngồi tự nhiên.

Chú em cứ gọi anh là Thái, còn thằng mặt sẹo kia tên Dương.” – Nói đoạn, anh kêu dì Hoa đem lên thêm vài con khô mực nướng.

Ấy chết, sao thằng ăn mày dơ bẩn như mày dám đi ngồi cùng với khách thế kia!?” – Dì Hoa đặt dĩa khô xuống bàn, tiến tới toan kéo nó ra ngoài, nhưng bị 2 anh cản lại. Anh Thái còn chủ động khoác vai nó, dẫu cái áo nó đang mặc đem so với nùi giẻ nhắm còn tệ hơn.

Thiệt tình, nó hôi hám lem nhem rứa mà mấy chú cũng cho ngồi chung.

Người Việt với người Việt, ai lại đi phân bì dơ sạch đâu cô.” – Nghe 2 anh nói, dì Hoa chỉ lắc đầu, lắc lư cái thân hình phốp pháp của mình ra sau quầy.

Hẳn dì nghĩ 2 anh bị điên. Mà nó cũng nghĩ thế….nó là người Việt thật, nhưng dơ dáy tanh hôi cũng là thật. Sao có thể lấy cớ qua loa như vậy. Bất quá nó vẫn thấy bụng rạo rực, trong lòng vui vui.

Chú em tên họ là chi?

Tên….em không có tên…” – Nó nhận miếng khô cong queo từ tay anh Thái, lúng búng đáp.

Gì lạ, ai mà chẳng có tên? Chú em khéo đùa.

Em nói thật… Em mồ côi đó giờ, bố mẹ còn không có. Sao mà có tên…

Bầu không khí thoáng chốc trầm xuống, tiếng gió ù ù thổi qua rặng đước xào xạc như có ai đang tấu bài vọng cổ đầy não nề.

Anh Dương nhìn nó một lượt, ánh sáng từ ngọn đèn dầu rọi vào cặp mắt đen tuyền như màn đêm của thằng nhỏ sao mà đẹp, sinh động đến lạ. Hệt như ngôi sao trên trời vậy.

Cuối cùng anh cầm ly rượu trắng, một ngụm uống cạn, đoạn nói với giọng nghiêm túc, mang vẻ trịnh trọng.

Chúng ta gặp nhau coi như cái duyên. Nếu chú mày chưa có tên, không ấy anh đặt cho chú mày cái tên Sao được không?

Sao ạ?” Nó nuốt nước bọt.

Ừ, Sao trong ngôi sao trên trời ấy. Tỏa sáng rạng ngời giữa màn đêm u tối. Tốt lắm, đẹp lắm!

Giống chú em đấy!” – Anh Thái vỗ vai nó.

Sao mấy anh nghĩ em tốt đẹp?

Ơ hay cái thằng này lạ. Không lẽ chú mày xấu xa độc ác à?

Nó lắc đầu nguây nguẩy. Khói đèn dầu hôm nay sao mù mịt, làm mắt nó cay xè chực khóc. Một cái tên, thứ mà ai cũng có từ khi mới sinh, ấy vậy mà đến tận hôm nay nó mới có, dẫu sao trễ còn hơn không. Nó vui lắm.

Từ giờ, nó tên Sao. Không còn là “thằng ăn mày” nữa.

*****

Sao giữ cho lưng mình thẳng trên ghế, nghe 2 anh hỏi chuyện, nó trả lời câu được câu mất. Sao không biết chữ, những chuỗi ngày lang bạt kỳ hồ chỉ dạy nó cách nhẫn nhịn để mà sống, để tồn tại. Vả lại trong thời buổi loạn ly rày đây mai đó này, con chữ đôi khi còn không quý bằng nắm gạo tẻ.

Mỗi tội không biết chữ đồng nghĩa với mù tịt kiến thức, thế nên nó chỉ biết chăm chú ngồi nghe 2 anh bàn luận với nhau mấy vấn đề gì đó. Đoạn anh Dương lấy từ túi ra quyển sổ bọc bằng da hươu dày cộp, tỉ mẩn ghi ghi vẽ vẽ trông đến là chăm chú.

Anh ấy đang vẽ cái gì vậy ạ?” – Nó tò mò hỏi anh Thái.

Chú mày chưa thấy bao giờ hả?

Quả thật nó mù tịt, nhìn sơ qua Sao nhận ra là hình vẽ mấy con vật. Nhưng lại hết sức kỳ quặc khôi hài, hệt như đám ma rừng vẫn hay được phường đạo sĩ giang hồ phịa chuyện.

Nói dễ hiểu là vầy, đó là hình kẻ thù của chúng ta.

Anh Thái rót thêm rượu vào ly, hằn học nói. Cũng chẳng biết mặt anh đỏ lựng lên do rượu hay là do cơn căm tức.

Này, nhìn đây!” – Anh Dương đẩy quyển sổ đến trước mặt nó, chỉ chỉ cái hình mới vẽ xong – “Đây gọi là Pô kê mon.

Pô…kê mon?

Ừ, là đám thú được bọn giặc lùn Nhật đem qua làm vũ khí tấn công nước ta!

Như kiểu mấy con rắn, lợn rừng ấy ạ?

Giống kiểu mấy con ma da, quỷ nhập tràng hơn…. Chẳng biết tụi Nhật học đâu ra trò yểm bùa, ngải hay gì để tạo ra đám thú đáng sợ này nữa.

Thế nó gian ác lắm ạ?

Anh xua tay, nhìn thẳng vào mắt Sao. Nhàn nhạt nói

Pô kê mon là thú, nó không gian ác…..Gian ác là từ chỉ dùng cho người. Mấy cái kẻ đã sử dụng chúng cho mục đích xâm lược ấy.

Đúng lúc, cơn gió mạnh thốc vào quán, làm xiên lệch cả tấm phiên nứa. Anh vội chặn cuốn sổ lại để nó không bay mất, thoáng qua Sao chớp thấy những trang giấy ghi đầy những dòng chữ ngăn ngắn ở phía sau. Nó tò mò, nhưng không hỏi.

*****

Vào lúc chạng sáng, gió ngày càng to. Tiếng sấm nổ ì ùng trên những vầng mây đen xì che lấp cả mặt trời, sà xuống những ngọn cây đặc quánh. Mưa bắt đầu rơi từng hạt lộp độp, dội lên mái lá báo hiệu một cơn bão sắp kéo đến. Thái và Dương vội uống cạn chén rượu cuối cùng rồi lật đật đứng lên định rời đi.

Chú em không nhà không cửa, có muốn đi với tụi anh không?” – Anh Thái quay sang hỏi nó.

Ê mày cũng biết việc tụi mình làm nguy hiểm đến mức nào mà. Định đẩy thằng nhỏ vào chỗ chết hả!?

Sau đó, Sao cũng chẳng biết mình đã nói gì. Chỉ biết cuối cùng nó đã đi theo 2 người thanh niên chỉ vừa gặp từ vài tiếng trước này. Nó cẩn thận dúi nắm xôi mới nấu hãy còn nghi ngút khói vào túi – món quà vừa nhận được từ dì Hoa. Sao chạy ra mé kênh tắm vội, đoạn khoác chiếc áo tơi sờn rách, nó nắm cây sào dài chống nước, mượn đà nhảy tót xuống chiếc thuyền nhỏ mui lá. Cảm giác chồng chềnh suýt đã làm nó té nhào.

Sao gạt mấy giọt nước mưa bám trên mặt, mở to mắt nhìn thật kỹ cái khu chợ nổi gắn liền với tuổi thơ mình lần cuối. Dưới màn mưa, nơi đây toát lên vẻ xa lạ mịt mờ.

Chừng nào về ghé kiếm tao lấy đồ ăn nhe mậy!

Là dì Hoa đang đứng bên hiên quán, hét to, vẫy tay tạm biệt nó.

*****

Sao nhớ rõ, 3 đêm sau đó, trời mưa liên tiếp không ngớt. Con thuyền xuôi theo dòng kênh đen xì rẽ nước tiến về hạ nguồn. Lác đác bên bờ kênh oàm oạp tiếng ễnh ương gọi bầy, tiếng vo ve như mắc cửi của đàn muỗi đói, thi thoảng nó còn thấy cái đầu của mấy ông sấu sần sùi như gỗ mục lướt qua mạn thuyền. Không khí đến là rợn người.

Anh Thái nhanh lẹ chống sào đưa thuyền tiến vào một rạch nhỏ um tùm dừa nước, đè lên những bụi lau sậy. Cuối cùng dừng ở nơi mà 2 anh gọi là “tổng bộ

Sao không hiểu từ đó nghĩa là cái chi, nó chỉ thấy những túp lều phủ lá rừng kín đáo được dựng chen chúc trên đám rễ bần chằng chịt. Anh Dương xoa đầu nó, dẫn đi quan sát khắp một lượt “tổng bộ”

Chà, chú Dương kiếm đâu ra thằng nhỏ nom hoạt bát thế?” – Một ông chú trung niên với làn da rám nắng hun đỏ, bộ râu lia chia như rễ tre, miệng ngậm điếu thuốc tỏa mùi hăng hắc lên tiếng hỏi khi thấy anh và nó đi qua.

Dạ bác Toàn, kiếm ở miền thượng chứ đâu. Thằng nhỏ tội lắm!

Ê nhóc, tên gì mậy. Nói qua nghe coi!

Dạ cháu tên Sao!” – Nó đáp, nhưng mắt cứ dán vào con chim hình thù kỳ lạ đang đứng rỉa lông trên vai bác Toàn. Ở xóm chợ nổi, không thiếu những ghe bè chở đầy ắp lồng chim tứ xứ đến để bán. Nào là chào mào, bạc má, bách thanh,…nhưng tuyệt nhiên nó chưa thấy con chim nào màu nâu hạt dẻ với cái bờm đỏ hất ngược cùng phần đuôi là 5 chiếc lông đỏ vàng xen kẽ như này bao giờ. Đặc biệt, trông nó nom to lớn đến lạ.

Lạ hả? Qua gọi nó là ‘Bồ Câu Gà.’” – Bác Toàn dụi tắt điếu thuốc, cười lớn để lộ ra hàm răng ố vàng.

Bồ Câu….Gà ạ?

Chú mày còn nhớ anh nói mấy con Pô kê mon không? Một trong tụi nó đấy, thó được của tụi Nhật lùn trong trận U Minh vừa rồi.

Nhìn nó cũng ngoan ngoãn hiền lành quá.

Chú mày chưa thấy mấy con khác thôi.” – Anh Dương nhún vai dẫn nó đi tiếp.

Đám chuột, bọ, bướm, tê tê, nhím, giống nhưng không phải, cứ chạy lăng xăng trong mấy hốc cây khi nó bước qua. Quả thật Sao chưa thấy mấy con Pô kê mon được tả như ma da quỷ nữ nên chưa biết. Chứ nó thấy riêng đám ở đây thì rất dễ thương, thân thiện làm nó đôi lần muốn nhào tới ôm cho thỏa.

*****

Thời gian trôi ở tổng bộ cũng đã vài tháng. Sao phát hiện mình đặc biệt bị thu hút bởi mấy cuốn sách cũ sờn trong lán họp, nên nó đã nài nỉ anh Thái và Dương dạy cho cách đọc chữ. Chỉ một quãng ngắn, nó đã bập bẹ đọc được vài cuốn tạp văn, rồi túc tắc tập viết ghi chép của riêng nó về các loài Pô kê mon đã gặp.

Nó có thể dành trọn cả ngày chỉ để theo dõi một con Pô kê mon nào đó trốn trong bãi sậy. Thích thú quan sát những tập tính đặc biệt mà các loài động vật bình thường không hề có.

Như con thì biết phun lửa, con lại gọi được gió,…. theo lời của bác Toàn nói thì “thằng nhóc này hợp để làm mấy cái ông thầy giáo”. Ngoài ra Sao còn hay chạy lăng xăng phụ giúp việc vặt cho người này người nọ, nom nó hoạt bát nhanh nhẹn, tính tình thì hiền lành nên được cưng lắm.

Tròn một năm nó ở “tổng bộ”, anh Thái và anh Dương trở về sau gần 3 tháng đi biền biệt, kêu Sao đến bảo muốn tặng nó một món quà. Khi nghe tin, nó bỏ hết việc đang làm, vội chạy đi kiếm 2 anh, phần vì đã lâu không gặp nên nó nhớ…. phần thì do bảo là có quà.

Chú em chạy nhanh dữ?” – Anh Thái đang bàn chuyện với anh Dương, thấy bóng nó thì vẫy tay ra hiệu, nó tíu tít bổ nhào vào ôm lấy 2 anh.

Chú em làm gì cứ tươm tướp.” – Anh Dương xoa đầu nó. Sao cười hì hì đáp lại, sau 3 tháng mới gặp nó thấy anh gầy đi nhiều, vết sẹo trên mặt đỏ phực nom rất dữ… Dường như anh còn có vết thương mới. Sao hỏi, nhưng anh chỉ bảo do trượt chân té va vào cọc gỗ.

Hóa ra món quà Sao được nhận là một con Pô kê mon giống mèo, màu tím nhạt, cái đuôi dài tẻ làm đôi ở chóp cùng viên ngọc nhỏ màu đỏ trên trán. Thoạt nhìn vừa xinh lại còn quý phái, giống như thú nuôi của đám quý tộc Ăng – lê nó từng thấy trong sách.

Tụi anh tóm được từ thằng chỉ huy Nhật đấy. Nhìn nó cũng thông minh biết nghe lời.

Dạ em cảm ơn!” – Nó vui vẻ cười tít mắt.

Mà anh bảo lấy từ chỉ huy Nhật. Bộ vừa có chiến dịch nào ạ. Không lẽ anh Khả bị thương là do….

Thôi đừng nhiều chuyện, cứ biết vậy là được. Giờ lo đặt tên cho con Pô kê mon đi kìa!

À dạ!” – Nếu 2 anh không muốn nói, thì đành chịu. Nó vắt tay lên trán, cố suy nghĩ một tên nghe cho hay hay. Chốc sau, nó vỗ đùi cái đét.

Em đặt nó tên Thái Dương nha?

Gì vậy ông tướng, đó là tên tụi anh mà?!

Tại nghe rất hay ạ.

Thôi kệ đi, nó muốn đặt gì thì đặt!” – Anh Dương sảng khoái đáp. Từ đó, Sao có Pô kê mon cho riêng mình, tên Thái Dương.

*****

Nhưng than ôi, tháng ngày vui vẻ đó thoảng qua như đám mây, nhìn lại đã là chuyện của quá khứ.

Sao nặng nhọc chống tay, đứng dậy phủi đi vài chiếc lá khô trên tóc. Đoạn đánh thức Thái Dương đang nằm cuộn tròn kế bên khiến chú ta khẽ gầm gừ bất mãn.

Rừng rú đêm khuya sương muối phủ, lạnh đến nao lòng. 10 lần như 1, nó thèm thuồng cái cảm giác ấm áp trong chăn mền nơi tổng bộ năm xưa, nó muốn về, nhưng làm gì còn nơi để về?

Năm ấy tổng bộ bị lần ra dấu vết, quân địch tổ chức tập kích bất ngờ. Anh Thái, anh Dương, bác Toàn,… tất cả đều hy sinh, chỉ có nó được Thái Dương dùng năng lực của mình che giấu mà may mắn thoát chết. Sau đợt đó, giặc càng tợn, nó dùng Pô kê mon rà quét cả khu rừng, thấy cái gì giết cái đó…Cuối cùng Sao đã biết tại sao có những Pô kê mon được ví như ma quỷ khát máu chốn địa ngục âm tỳ.

Nó dựa vào năng lực của Thái Dương để trốn chui trốn nhủi, khi thì trong hốc cây, lúc ở hang đá. Đói thì bắt côn trùng rắn rết ăn cho qua ngày…

Đợi tới lúc lũ giặc giết chóc đến chán mà bỏ đi. Nó mới dám lần mò tìm về tổng bộ.

Thứ đập vào mắt Sao đầu tiên là xác chết, rất nhiều xác chết, trương phình giòi bọ….Nó bụm miệng ngăn mình nôn ọe, bước qua đống xác. Rảo một vòng xung quanh, Sao nhận ra một cái xác quen thuộc với vết sẹo chạy dài trên gò má phải biến dạng….là anh Dương. Nó thấy mắt mình nhòe đi, ươn ướt, dòng lệ nóng vô thức tuôn trào đem theo vị đắng chát.

Gruuu…” – Thái Dương đứng cạnh, gặm tay áo nó. Cái đuôi dài chỉ vào giỏ da nằm kế bên xác chết. Nó ngần ngừ nhặt lên. Từ trong giỏ rớt ra một vật dày nặng….Là cuốn sổ hồi đó anh sử dụng trong lần gặp nhau đầu tiên.

Sao lật từng trang, từng trang. Kỷ niệm ùa về khiến nó trực khóc toáng lên, đến non nửa cuốn sổ. Những hình vẽ được thay thế bằng chữ viết, gãy gọn mà nắn nót.

Trên đó viết tên, tên của rất nhiều người. Cả trai cả gái kèm theo chú thích đơn giản về nghề nghiệp của họ. Nào là phu xe, nông dân, tạp vụ,…. bát vạn đều có. Tuốt phía trên nổi bật dòng chữ bằng mực đỏ.

“Những người lính đã hy sinh. Ai biết được họ muốn nói gì.”

Sao lặng người, phải rồi ha. Ai cũng nghĩ họ là lính. Hy sinh vì nghĩa vụ là chuyện bình thường, nhưng chết là lính…. sống là người, liệu trước khi nhắm mắt, họ có lời nào chưa kịp nói chăng?

Thái Dương, mày biết anh ấy muốn nói gì không?” – Nó vốn chỉ hỏi bâng quơ. Nào ngờ viên ngọc đỏ trên trán Thái Dương phát sáng dữ dội. Và rồi…. trước mắt Sao, hiện lên một cuộn phim đen trắng. Nó đang được nhìn vào cuộc đời của anh.

Họ tên: Nguyễn Dương. Quê quán: Bạc Liêu
Vốn làm thủ thư, vì bảo vệ cho đứa em gái chỉ tròn 6 tuổi của mình mà bị giặc tra tấn, khoét từng mảng thịt trên mặt….anh chỉ muốn năm nay được nói lời chúc mừng sinh nhật em gái mình.

Đoạn phim kết thúc, Sao vội ghi lại thông tin mình vừa thấy vào sổ… kế bên là của anh Thái.

Họ tên: Trần Thái. Quê Quán: Nam Định
Vốn làm thuê làm mướn để lo cho mẹ già và chị gái.
“Mẹ à, con nhớ mẹ”- Là lời anh muốn nói.

Họ tên: Thanh Toàn. Quê quán: Trà Vinh
…..
Họ tên…..
…..
Họ tên…..
…..

Nó đi lần mò từng cái xác, ghi lại đầy cả một danh sách. Nó nhận thấy, mỗi người đều không hề tự nguyện trở thành lính…. chính thế cuộc đã ép họ phải nhận cái danh nghĩa một người lính. Để rồi lúc sống có tên tuổi, lúc chết chỉ đơn thuần một chữ “lính”. Chiến tranh làm họ mất cái tên riêng, mất cái nghề riêng…. đến cuối cùng mất cả lời nói riêng.

Có mấy ai biết được, người lính muốn nói gì.

Có mấy ai nhớ đến, người lính ấy tên gì.

Khi xương cốt nương theo gió bắc, nơi đây lặng im xác “người vô danh”

*****

Khụ….”- Nó ho khan, gọi với vào cái mảnh tối đen bên trong ngôi nhà xiêu vẹo. Từ đó bước ra một bà cụ tuổi đã già, chân đi không vững. Sao gật đầu chào, đoạn nhét vào tay bà một phong thư được gấp gọn.

Tay bà cụ run run mở lá thư, nó nhìn bà lần cuối rồi quay lưng đi thẳng. Bỏ lại tiếng gào khóc đến xé lòng đằng sau…

Địa chỉ tiếp theo ở thôn Bôn Lôi….

Mày đừng giỡn mặt với qua!” – Ông cụ tức giận quơ gậy vào nó. Đây cũng là cảm xúc thường thấy ở người nhận thư. Nó không tránh, đứng im chịu một gậy…Dù sao cũng không đau bằng cảm xúc của ông cụ lúc này.

Mày….mày nói với qua là đang giỡn đi!

Sao chỉ cúi đầu thật sâu, không nói gì. Giỡn? Ước gì nó chỉ đang giỡn.

Tại sao chứ… nó hứa với qua tết này sẽ về mà… Ông trời ơi!!!

Anh ấy nói, mình yêu ông nhiều lắm…” – Nó lặp lại nội dung bức thư, rồi bỏ đi.

Rất muốn nhưng nó chẳng thể làm gì hơn được.

Ôm chặt Thái Dương vào lòng, cố ổn định cảm xúc. Lần nào chứng kiến sự đau buồn khi họ mở thư, nó đều thấy day dứt khôn nguôi.

Thư nó gửi là những lời cuối cùng mà người lính muốn nói với gia đình họ… Có thể là ông hoặc bà, bố hoặc mẹ, anh chị em hay đơn giản là một người bạn. Hàng trăm lá thư được Sao trao tận tay người nhận, đồng nghĩa với hàng trăm loại cảm xúc mà nó phải chứng kiến. Có kẻ gào khóc, kẻ chua chát cười khổ, vài kẻ bật cười như để tự huyễn hoặc bản thân không tin vào sự thật, nhưng đâu có ai giấu được hàng nước mắt trên đôi gò má.

Sau đợt khám phá ra năng lực của Thái Dương, nó đi khắp các chiến trường từ Nam vô Bắc hệt như con quạ lần theo mùi tử thi. Đến mức họ đồn nhau rằng, hễ nơi nào rợp xác người thì nơi đó sẽ xuất hiện một thanh niên đi cùng con thú lạ, tay lăm lăm quyển sổ đòi mạng. Nó bây giờ giống như mấy anh giao liên chuyển phát thư vậy, mỗi tội người gửi đều đã chết thẳng cẳng.

Thái Dương, mày mệt không?” – Sao vuốt ve bộ lông mềm mượt của anh bạn đồng hành. Rồi sắn ống quần lội xuống con suối đục ngầu đầy đỉa to cộ, mặc cho đám ruồi nhặng xâu xé, nó lôi xác người lính lên bờ. Sau khi đọc xong bằng năng lực của Thái Dương, nó đặt cuốn sổ lên tảng đá phẳng, dùng bút nắn nót ghi lại những lời mà người lính ấy muốn gửi cho gia đình…. lần này là cho con của anh ta, kế bên không quên đề cái tên thật. Việc tiếp theo… là tìm đến đứa con và trao gửi trang giấy.

Trước khi chết, người lính muốn nói gì?

Cứ thế, lần lượt từng xác một tiêu tốn cả ngày dài của Sao. Khi đã “nhận” hết thư, nó ra sức đào những nấm mộ nhỏ, đem xác thịt thối rữa xung quanh mà lấp vào. Làm đến tận khuya, nó mệt mỏi ngủ vùi đến lúc bình minh ló dạng rồi lại tỉnh dậy, bắt đầu công việc gửi thư.

Ngày qua ngày, nó làm giao liên kết nối giữa 2 bờ sống chết. Đem trao những tiếng nói cuối cùng của 1 kiếp người. Ấy là thứ Sao tự coi là công việc.

Trước khi chết, nào có ai làm lính?

*****

Bẵng đi mấy năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Giặc đã bị đẩy lùi, đất nước lại hòa bình, thống nhất. Dưới quảng trường thời đại, nó nhìn đồng bào vui sướng reo hò khi bản tuyên ngôn độc lập được cất lên đanh thép, hùng hồn đầy uy nghiêm.

Thái Dương, mày mệt không?” – Nó xoa đầu anh bạn duy nhất còn sống để đồng hành với mình, cảm nhận cái gật nhẹ trong tay.

Phải rồi, Sao cũng mệt. Hàng năm trời qua, nó đã trải nghiệm cuộc đời của biết bao nhiêu người cho xiết.

Lấy từ túi ra cuốn sổ cũ nát, bị xé nham nhở chỉ còn mỗi một trang cuối cùng. Nó ngước lên ngắm nhìn đàn bồ câu trắng xóa chân buộc lá thư tung bay trên vòm trời xanh thẳm, gửi đi thông điệp hòa bình. Hôm nay, Sao không còn phải đảm đương vai trò giao liên giữa 2 cõi âm dương nữa. Từ rày về sau chỉ còn những bức thư ấm áp giữa kẻ sống gửi cho nhau thôi. Hòa bình rồi….không còn ai phải vong mạng dưới danh nghĩa người “lính” nữa…. thật tốt quá.

Nó định ghi nốt cái tên cuối cùng vào trang giấy, nhưng rồi nghĩ gì đó. Nó đóng sầm cuốn sổ lại, bây giờ chưa phải lúc.

Thái Dương này, tao với mày không đi tìm người chết nữa. Cùng nhau đi tìm người sống nhé!” – Nó bế Espeon vào lòng, bước chân kiên định rời khỏi quảng trường náo nhiệt. Nó còn cái hẹn lấy thức ăn ở chỗ dì Hoa nơi xóm chợ nổi năm xưa… và còn cả lời cuối cùng nó muốn nói. Lời dành cho hậu thế mai sau. Đúng rồi, nó dự định sẽ viết một cuốn sách về những anh hùng vô danh…. để cho cái tên của họ sẽ mãi hiện hữu trong dòng chảy lịch sử vô tận.

Sau khi Sao chết đi, ấy sẽ là bức thư cuối cùng nó tự gửi cho toàn thể người còn sống.

CHÚ THÍCH:

  • Bài viết là một câu chuyện giả tưởng, nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – 30/04.

Tác giả: Phạm thanh.

TỪ TRANH MINH HỌA – THÀNH CHUYỆN CÙNG KỂ