Một buổi chiều nơi làng quê nhỏ, nơi nắng trải nhẹ như dải lụa vàng óng ả phủ lên những cánh đồng lúa chín. Gió từ sông thổi về, mang theo hơi thở mát lành, lùa qua từng rặng tre kẽo kẹt reo vui. Con đường đất trước nhà trông vắng vẻ, chỉ có vài bóng trẻ con chạy chơi, tiếng cười đùa của chúng vang vọng làm xao động bầu không khí yên ả. Dưới mái hiên nhỏ, tôi Chimecho – một chiếc chuông gió bé xíu, đung đưa theo từng cơn gió, phát ra những thanh âm leng keng dịu dàng, hòa vào bản nhạc muôn đời của thiên nhiên. Không dễ thương như Pikachu hay có sức mạnh oai hùng như Charizard, tôi chỉ có thể phát ra những thanh âm nhẹ nhàng, mềm mại khi làn gió êm ả lướt qua, Có lẽ vì vậy tôi được vinh dự chứng kiến một câu chuyện kéo dài suốt nhiều năm, một hành trình trưởng thành đẹp đẽ như chính những mùa vàng đi qua trên cánh đồng nọ.
Câu chuyện bắt đầu từ khi tôi được treo lên trong ngày đầu tiên sau khi ngôi nhà này được xây xong, ngay dưới mái hiên. Ngôi nhà nép mình bên con đường làng nhỏ, bao quanh là những cánh đồng lúa và rặng tre xanh mát. Người mẹ – một phụ nữ trẻ, với đôi mắt hiền lành và giọng nói dịu dàng, đã mang tôi về từ tay người chủ cũ:
“Treo như vậy để mỗi lần gió thổi qua, ngôi nhà này luôn có âm thanh của sự sống.” – Bà nói với đứa bé nhỏ bế trên tay, ngày ấy cậu bé chỉ mới chập chững bước đi. Tôi vẫn nhớ ánh mắt tròn xoe của cậu, ngạc nhiên nhìn tôi đung đưa trong làn gió. Lần đầu tiên nghe thấy tôi rung lên, cậu òa khóc nức nở nhưng rồi chỉ vài ngày sau đó, tôi đã trở thành người bạn quen thuộc của cậu. Mỗi sáng cậu sẽ giơ bàn tay bé xíu ra chạm vào tôi, đôi khi khúc khích cười khi tôi ngân lên những hồi chuông nhỏ.
Những năm tháng đầu đời, tiếng cười và tiếng khóc của cậu bé hòa lẫn với âm thanh của tôi. Trên hiên nhà, tôi dõi theo cậu lần đầu tập đếm, vẽ những hình nguệch ngoạc bằng phấn màu lên vách gỗ, và cả những lần vấp ngã khiến cậu òa khóc. Lần nào cũng vậy, người mẹ luôn xuất hiện ngay lập tức, nâng cậu lên, xoa dịu bằng những lời ru êm ái. Tôi rung nhẹ những thanh âm ấm áp như muốn vỗ về cậu theo cách riêng của mình.
Thời gian trôi, cậu bé lớn lên, mang theo sự hiếu động của một đứa trẻ thôn quê. Những buổi trưa hè, cậu chạy nhảy dưới bóng cây, tiếng cười vang vọng át cả tiếng leng keng của tôi khi gặp gió. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Có những ngày cậu trở về nhà, đôi mắt đỏ hoe vì bị điểm kém, hoặc vì bị bạn bè trêu chọc. Lúc ấy, người mẹ lại ngồi bên cậu, nhẹ nhàng kể cho cậu nghe về những lần bà cũng từng thất bại, để cậu hiểu rằng nỗi buồn chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống. Ánh mắt bà như thể nhìn mình của những ngày thơ bé, như thể được tái sinh một lần nữa trong hình hài non trẻ. Và chắc hẳn bà muốn gửi gắm vào cậu những điều bà chưa làm được…
Một buổi tối nọ cậu dắt về Growthite, quả quyết muốn đồng hành cùng nó. Từ ngày đó, cả hai nô đùa khắp sân, ánh mắt sáng ngời niềm vui khi tìm được một cộng sự như ý. Nhưng niềm vui ấy không kéo dài được lâu, một năm sau một trận lũ quét đã cuốn trôi đi những người không may mắn, trong đó có cả Growthite. Đối diện với sự mất mát đầu đời, lần đầu tiên tôi thấy cậu bé thực sự gục ngã ôm chặt lấy người mẹ, khóc nức nở suốt cả buổi chiều. Tôi rung lên những thanh âm trầm ấm, cố gắng an ủi cậu. Dù chẳng thể nói lời nào, tôi tin rằng giai điệu của mình đủ sức nhắc nhở cậu rằng, nỗi đau sẽ qua đi, và kỷ niệm đẹp sẽ luôn ở lại.
Những năm tháng sau đó, đứa bé nhỏ giờ đã vào trung học. Tôi không còn được cậu nghịch ngợm chạm vào mỗi sáng nữa. Cậu bắt đầu bận rộn với bài vở, với những giấc mơ riêng, và trông xơ xác đi nhiều khi mới biết yêu. Còn người mẹ thì dần già đi, những nếp nhăn đã xuất hiện trên gương mặt dịu dàng của bà. Tôi vẫn treo mình ở đó, như một chứng nhân lặng lẽ của thời gian. Rồi khi cậu đỗ đạt công danh, niềm tự hào ánh lên rực rỡ trong đôi mắt bà xen lẫn với những lo âu vụn vặt. Ngày cậu lên chốn phồn hoa đô thị, bà đứng dưới mái hiên rất lâu, dõi theo bóng lưng mờ dần rồi mất hút. Để lại ngôi nhà nhỏ vốn đã yên tĩnh, bây giờ lại càng yên tĩnh hơn. Tôi rung lên khe khẽ mỗi buổi chiều, nhưng chẳng thể xua đi nỗi trống trải trong lòng người mẹ. Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân, ngày ngày bà vẫn chăm sóc khu vườn nhỏ, ngồi may vá dưới hiên, nhưng ánh mắt thường nhìn xa xăm về phía con đường dẫn ra khỏi làng. Mỗi lần cậu gọi điện về là như thể bao buồn phiền mệt nhọc đều tan biến vào hư không, bà hỏi thăm cậu rất nhiều nhưng chung quy lại là:
“Dạo này con ăn có ngon không?”.
Thời gian thì vẫn trôi mà không chờ đợi ai. Mái tóc người mẹ đã điểm bạc hơi sương, bước chân cũng đã chậm lại. Những bữa cơm bà ngồi một mình, ánh mắt vẫn luôn hướng về phía tôi, như thể trong tiếng chuông ngân thấp thoáng, bà nhìn thấy được bóng dáng đứa con trai ngày nào.
Rất nhiều năm sau, cậu bé ngày nào đã trở thành một người đàn ông trưởng thành. Khi bước qua cánh cổng, cậu dừng lại nhìn tôi như đang nhìn về những ký ức đã qua, những ngày thơ dại cậu từng khóc nhè, từng cười đùa, và cả những mất mát, những thành công đầu đời.
Người mẹ bước ra từ trong nhà, dáng người nhỏ bé hơn xưa, nhưng ánh mắt vẫn tràn đầy yêu thương. Cậu ôm bà vào lòng, và tôi nghe thấy một tiếng nấc nhỏ, như ngày cậu bé ấy từng òa khóc trước hiên nhà thuở còn thơ.
Tôi vội rung lên leng keng trong làn gió chiều, hòa lẫn với những âm thanh quen thuộc của làng quê, thay cho lời chào mừng. Cuộc đời, dù ngắn hay dài, cũng chỉ là một chuỗi ngày đong đầy yêu thương, nơi những hồi chuông nhỏ bé như tôi có thể chứng kiến và lưu giữ từng khoảnh khắc. Và tôi biết, dù gió có ngừng thổi, dù ngôi nhà có cũ kỹ theo năm tháng, tiếng chuông của tôi sẽ mãi vang lên trong ký ức của cậu – như lời nhắc nhở rằng tình yêu gia đình là điều vĩnh cửu, soi sáng mọi chặng đường. Giờ cũng là lúc bạn tự hỏi mình:
“Bao lâu rồi mình chưa gọi về nhà?”.
Tác giả: Nguyễn Vũ Văn.
TỪ TRANH MINH HỌA – THÀNH CHUYỆN CÙNG KỂ |