MÙA HẠN

Mùa hạn VPokedex

Mùa hạn về.

Mắt Nâu nhìn trời, nhìn đất rồi len lén thở dài. Cha nó đi làm đồng về, vứt cái cuốc ở sân rồi nằm vật xuống chiếu. Cũng phải, nắng cháy đến đất và cây còn phải xơ xác, nói gì đến con người. Nó chạy ra vườn, lặng lẽ hái mớ tía tô về nấu cho cha nồi nước giải cảm. Cha trùm chăn kín mít, vừa hít hà hơi từ nồi xông nóng hừng hực, vừa rên rẩm vọng ra, năm nay hạn to rồi mày ơi.

Mắt Nâu vâng vâng dạ dạ. Thật ra cũng đâu cần cha bảo. Nó nhìn đám lúa chưa kịp trổ bông đã héo quắt queo, rồi nhìn con kênh sau nhà cạn trơ đáy là cũng tự biết. Mấy nay ra-đi-ô lại cứ ca đi ca lại chuyện khô hạn như ca vọng cổ hoài. Nào là năm nay hạn to lắm, mưa thì chẳng biết bao giờ về. Nào là nước đầu nguồn bị chặn, rồi thiếu nước ngọt, rồi muối mặn từ biển ngấm vào đất. Đủ thứ chuyện bồi thêm vào gia đình vốn đã chạy vạy quanh năm suốt tháng của Mắt Nâu.

Mắt Nâu mất má từ hồi bốn tuổi. Cha nó ở vậy gà trống nuôi con. Năm nay nó tròn mười lăm, cũng bắt đầu tập tành lo toan chuyện này chuyện kia. Làng xóm hay bảo, nó như ông cụ non. Hiếm có thằng nào ở cái tuổi đáng ra phải nhong nhong đi đá bóng, bắn chim lại suốt ngày suy tư làm sao cuối mùa vụ có thêm ít đồng ra đồng vào. Nó lại hiền lành và ít nói, thêm đôi mắt nâu trong veo, lúc nào cũng ánh lên nét buồn buồn – giống hệt má nó hồi trẻ. Lũ bạn cùng trang lứa ít giao du với nó, phần vì e ngại sự già dặn, phần vì “không thèm chơi với cái thằng không có má”. Cứ như vậy, nó trở thành một cá thể đặc biệt, nếu không muốn nói là cô độc ở đám trẻ trong làng.

Mây vừa che khuất nắng, nó ôm cái nón mê chạy vội ra mương. Cha nó khoái ăn canh chua, có tô húp sùm sụp là khỏe liền. Con mương chưa cạn hẳn, nhưng cũng chỉ còn ít nước pha bùn sền sệt. Nó lội hẳn xuống, bùn ngập đến đầu gối. Mò mò hồi, Mắt Nâu cũng bắt được lưng giỏ, dù chỉ là đám cá ốm nhách không biết có đủ dính răng.

Chợt Mắt Nâu nghe tiếng bì bõm ở bên cạnh. Nó quay lại. Một con thú nhỏ màu vàng nhạt đang lội dưới mương. Cả người như hoà lẫn với bùn, chỉ có túm lông xanh lam trên lưng động đậy. Nó gầy nhom, bốn chân ngắn tũn, xương xẩu giơ ra hết cả. À, một con Cún Con. Nó ngẩng lên nhìn Mắt Nâu. Mắt nó cũng màu nâu, trông ngồ ngộ, mà dễ thương. Nhưng chỉ dòm một cái, rồi con thú lại ráo hoảnh quay đi, trong miệng ngậm một con cá bé xíu. Nó cũng đang đói mà.

Mắt Nâu gặp Cún Con trong một chiều hạn như vậy đấy.

*****

Ở cái làng này, không thiếu đám Thú Bỏ Túi tự biết kiếm ăn. Tụi nó thông minh hơn động vật thường là một lẽ. Lẽ khác là trong mùa hạn khủng khiếp này, không tự thân thì chỉ có chết đói. Nhưng con Cún Con thì đặc biệt hơn cả.

Thiếu thức ăn, nhiều con Thú Bỏ Túi mắc tật đói quá hóa liều. Như đám Rùa Đồng Tiền bị rượt khắp xóm vì chôm chỉa mấy buồng chuối, hay bọn Chuột Lang cắn trộm ngô bị người ta nổi khùng vác gậy đập te tua. Còn Cún Con, nó không biết ăn cắp, cũng không xin đểu ai bao giờ. Mắt Nâu để ý vậy, vì kể cả khi mương đã cạn kiệt, nó vẫn kiên trì dùng bốn chân bé xíu để moi từng rãnh cát. Mặc dù sau đó lại tiu nghỉu vì chẳng tìm được gì.

Động lòng thương, thỉnh thoảng Mắt Nâu vẫy nó lại, cho nó một vài con cua hay con cá trong mớ thức ăn đổi bằng dăm tiếng đồng hồ lội mương dưới nắng hầm hập. Mỗi lần như vậy, đôi mắt Cún Con lại ngập ánh biết ơn và cái đuôi bằng đốt ngón tay xoay tít. Hình như nó đã trở thành người bạn đầu tiên của Mắt Nâu.

Kỳ lạ là, Cún Con không bao giờ ăn tại chỗ, dù có đói đến run lẩy bẩy. Nó sẽ ngoạm thức ăn trong miệng, rồi vọt như bay về cuối làng. Mắt Nâu lờ mờ đoán rằng, Cún Con không phải kẻ duy nhất cần lấp đầy cái bụng.

Có một lần, Mắt Nâu chạy theo Cún Con, chủ yếu vì tò mò. Nó chạy đến cuối làng, nhảy vọt qua hàng rào, qua bụi bông trang vào ngôi nhà cấp bốn xập xệ. Trong sân, một người phụ nữ chừng hơn ba mươi tuổi đang ngồi băm rau chuối. Thấy Cún Con, nét mặt cô tươi tắn và trên môi nở nụ cười. Mắt Nâu sững người. Cô cười có răng khểnh, nom giống má nó lạ, dù ký ức của nó về má chỉ vỏn vẹn trong những năm tháng ấu thơ.

Nhìn thấy Mắt Nâu, người phụ nữ thu lại nụ cười, rồi nhìn sang Cún Con với ánh mắt dò hỏi.

Này, mày lấy trộm của người ta à?

Cún Con kêu ư ử, vẫy đuôi cuống quýt tỏ ý không phải. Mắt Nâu đỡ lời, dạ không, cháu tiện tay cho nó đấy ạ. Lông mày người phụ nữ giãn ra:

Ra vậy, cô xin cảm ơn cháu.

Cún Con cười toe toét, chạy đến cọ vào chân Mắt Nâu với vẻ yêu mến không giấu giếm.

Người phụ nữ mời Mắt Nâu ngồi xuống bậc thềm. Đoạn, cô xoa đầu Cún Con, kể rằng nó là một con Thú Bỏ Túi ngoan. Nhà đang có người ốm, nếu không có nó hàng ngày mang thêm ít cua cá thì bữa ăn cũng đạm bạc lắm. Tiếng ho khù khụ từ trong nhà vang lên, cắt ngang cuộc trò chuyện. Qua khung cửa rỉ sét, nó thấy người thiếu nữ chớm mười ba, mười bốn ôm chặt lấy chiếc chăn – không, gọi là những mảnh vải vá chằng vá đụp vào nhau thành chăn thì đúng hơn, cái cổ gầy nhẳng vươn ra như muốn hít thở thêm chút ít không khí. Cơn ho dứt, cô bé nhìn qua cửa sổ, một bên tay vẫy nhè nhẹ như muốn chào hỏi. Mắt Nâu bỗng thấy ngực mình xốn xang khi hai lúm đồng tiền nho nhỏ thấp thoáng trên gò má xanh xao.

Người phụ nữ giữ nó ở lại chơi đến tận cuối chiều. Nhìn quanh không thấy bóng dáng đàn ông, Mắt Nâu mơ hồ đoán được những nỗi niềm ẩn giấu sau căn nhà chỉ có hai má con. Tự nhiên nó thấy đồng cảm, thấy thương cô, thương bạn nữ mà nó chưa kịp biết tên, thương cả Cún Con lấm lem đang nghịch ngợm những mẩu rơm. Lúc nó về, người phụ nữ dặn nếu có dịp thì cứ ghé qua chơi. Nó nhìn Cún Con, nhìn lại cửa sổ:

Dạ vâng ạ.

*****

Mắt Nâu còn gặp Cún Con nhiều. Nhưng không chỉ ở mương. Trên đồng, trên đường đất đỏ, nó vẫn hay gặp Cún Con lang thang. Mỗi lần Cún Con đi qua nhà nó, nó sẽ ngoắc vào, dúi cho khi thì túi ổi, nắm bồ kết, khi thì ít cam thảo. Tất nhiên là con thú nhỏ hiểu Mắt Nâu muốn gửi cho ai. Nên sau đó nó đem đến cho Mắt Nâu mớ bông súng, ít giống đỗ tương hay mấy quả trứng gà. Thậm chí có lần, Mắt Nâu thấy một tờ giấy trắng xé từ vở học sinh, dòng “Cảm ơn nghen” viết bằng mực tím hết sức mềm mại. Chắc là của Má Lúm rồi. Nó thấy vui lắm, vì Má Lúm và cô không từ chối sự giúp đỡ dù nhỏ xíu của nó. Hình như cha nó cũng biết. Nhưng cha không mắng nó vì tội “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Cha chỉ xoa đầu, bảo mày lớn thật rồi. Mà Mắt Nâu cũng thấy nó lớn thật rồi.

Bẵng đi vài hôm, nó không gặp Cún Con nữa. Đúng hơn là Cún Con không ra mương, cũng không đi qua nhà nó. Nó thấy bứt rứt, cũng nghĩ vẩn vơ hoài về Má Lúm. Không biết nhỏ khỏi bệnh chưa ta? Nó muốn chạy qua nhà, nhưng lại kẹt mất mấy bữa giúp cha chạy lên thị xã nghe ngóng tin nước ngọt chở từ thành phố về.

Rồi Cún Con lại đột ngột xuất hiện, y như cách đột ngột biến mất. Nó vừa ăn cơm xong, con Thú Bỏ Túi chạy từ đâu đến, ngoạm ống quần của Mắt Nâu kéo kéo. Nó bỏ bát đũa chưa kịp rửa xuống mâm, chạy vội theo Cún Con. Con đường quen thuộc và bụi bông trang đỏ ối hiện ra trước mắt. Trên bậc thềm, Má Lúm đang chờ nó.

Tui… tui muốn cảm ơn bồ. Nếu không có bồ, chắc thời gian qua má con tui khổ sở lắm.

Má Lúm vừa thỏ thẻ vừa đỏ mặt, hai tay nhỏ nắm chặt lấy nhau. Mắt Nâu cũng thấy vành tai nó đỏ lựng dần lên.

Cô đi từ dưới bếp lên, phá vỡ khoảng lặng ngại ngùng của hai đứa trẻ đang trải qua cảm xúc trong trẻo đầu đời. Cô cười tủm tỉm, bảo hai đứa vào nhà đi, cô đang nấu chè đậu ván đấy. Mắt Nâu gật gật, ngồi bên cạnh nhỏ, muốn nói gì đó mà chẳng biết nói gì. Mà nhỏ cũng vậy.

Thình lình, nó nghe tiếng gió thổi mạnh ngoài sân, cuốn theo lá khô và bụi mù tung. Nhỏ ngẩng lên, chỉ cho nó từng cụm mây đen vần vũ đang kéo đến. Chẳng mấy chốc, những giọt nước đầu tiên đã rơi xuống mái hiên.

Mưa rồi! Đôi mắt nó vụt sáng long lanh, nỗi khắc khoải bao lâu được tháo gỡ, tựa như tảng đá vô hình trên ngực đột nhiên tan biến. Má Lúm cũng cười, giọng nhỏ lảnh lót như tiếng sơn ca, này là lúa lại đơm bông rồi. Lúa đơm bông, hoa nở nữa. Mắt Nâu chạm vào tay nhỏ, trước nhà tui có một khóm hồng bạch đó, khi nào hoa nở tui cho bồ xem nghen.

Cún Con chạy từ ngoài sân vào kêu một tràng phấn khích, lông ướt đẫm vì nước mưa. Nhưng nếu có phải dầm mưa thêm vài lần nữa, dám chắc là nó vẫn làm.

Tác giả: Phương Thảo.

TỪ TRANH MINH HỌA – THÀNH CHUYỆN CÙNG KỂ