NHỮNG NGÀY ĐÔNG

Càng về những ngày cuối Đông, cái rét càng khiến con người yếu đuối trước thiên nhiên. Cũng chả biết từ bao giờ, người dân trên đỉnh núi này đã coi ánh sáng mặt trời là một thức quà xa xỉ, từ chập hai tháng trước, khi những cơn gió Đông bắt đầu ùa về, chúng len lỏi trên ngách cửa, đùa giỡn với vài chiếc lá úa sắp rụng. Mới từ độ tháng 10 đã thấy ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống núi ngày một hiu hắt, đến tháng 11 thì chập chờn như chiếc đèn bàn yếu điện, cứ bật lên rồi lại tắt ngóm. Ánh sáng heo hắt như cái đời sống người dân trên cái vùng núi heo quạnh tít trên biên giới, nằm sâu trong nơi “thâm sơn cùng cốc” Galar này.

Là dãy núi xa tít nằm ở biên giới Galar, cái lạnh táo tợn ngày Đông ở đây vốn chả ai là lạ gì nữa rồi. Cứ độ tháng 12 này, đối với những tay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì đây là cái bức danh hoạ tuyệt tác có một không hai, phải từ trên máy bay trực thăng nhìn xuống mới thấy cái đẹp, cái hùng vĩ, uy nghiêm và tráng lệ của thiên nhiên nơi đây. Còn đối với những kẻ thương gia có cái mũi đánh hơi mùi tiền thì nơi đây vào mùa Đông sẽ là nơi trao đổi hàng hóa lời nhất. Cụ thể là trao đổi về Pokemon đã được thuần chủng. Âu cũng phải thôi, cái xóm nghèo hắt hiu trên núi chúng tôi ngày làm quần quật có khi còn chưa đủ miệng ăn, thì nào ai biết cái thứ “Bóng chứa Poke” [Poke Ball] thần kỳ mà bọn dân thành phố sử dụng đó là gì chứ ? Tuy vậy, ở đây tuy đói nghèo lạc hậu, nhưng nhu cầu sử dụng Pokemon thì chúng tôi có nhiều lắm. Đất đai trên núi khó khăn, người dân chủ yếu trồng cây khoai tây để làm lương thực chính, ấy mà cái giống khoai tây này lại là thứ khoái khẩu của đám Skwovet mới chết chứ. Cứ cây nào mới nhú thành quả, nếu không cắt cử người trông coi y rằng hôm sau sẽ bị Skwovet cắn sạch. Sức người thì đâm cũng có hạn, bởi vậy người dân nơi đây mới cần đến những con Pokemon đã thuần chủng từ những tay thương gia để làm vật nuôi trong nhà, và thay họ trông coi đại mạch. Đấy là những hộ gia đình gọi là có đất làm ăn ở đây thì thế, chứ vài nhà khác nghèo hơn, đất chẳng có, mùa xuân họ đi làm thuê tuốt cho mấy nhà dưới thị trấn, thì mấy con Pokemon này lại là cộng sự phò tá cho họ làm ăn suôn sẻ, mãi đến mùa Đông mới trở về. Nhà nào không đi làm thuê thì cũng làm công nhân mỏ than dưới thị trấn, đầu tắt mặt tối, than bám đen xì mặt quanh năm, thì mấy tay Pokemon cứu hộ lại được lòng họ lắm, có chúng nó ở cạnh đâm làm việc đỡ hãi hơn.

Ấy mà đừng nghĩ đám người hèn mọn chúng tôi chỉ biết dùng Pokemon cho lao động, có đám sinh vật kỳ diệu này trong nhà cũng vui lắm ấy chứ. Mỗi đứa một vẻ, mỗi đứa lại có một cái hay. Bởi vậy, tuy lao động khổ cực, nhưng tuyệt nhiên đám người leo lắt trên núi cao bọn tôi lại chả thèm đem chúng đi đánh nhau làm gì.

Và cũng như bao nhà khác, nhà tôi cũng cần có một con Pokemon trông coi quán xuyến nhà cửa. Thật ra là từ lúc tôi còn bé tí, trong nhà đã có một con Stoutland, nó có bộ lông mùi hơi hăng hăng, lâu lâu lại ho khò khè như ông tôi lúc còn sống. Hồi ấy nhà tôi thuộc dạng khá giả nhất nhì nơi đây, cha tôi đã vay vốn mua một con Miltank về nuôi để cải thiện đời sống, và lúc ấy Stoutland cũng đến với nhà tôi, với tư cách là một “chú chó chăn bò”.

Hồi đó, cha thường hay quát mắng tôi: “Nuôi mày tao thà nuôi con Stoutland còn hơn”, ôi tôi chẳng hiểu ông ta muốn một đứa trẻ 10 tuổi lao động như thế nào, Stoutland có đôi chân khỏe, nó có thể chạy cả ngày trên thảo nguyên và lùa con Miltank về đúng vị trí, tôi thì không. Nó có bờ vai chắc nịch, nó sẽ kéo cả xe gỗ cho bố tôi tu sửa lại chuồng Miltank, tôi thì không. Tôi thua con Stoutland đó về mọi mặt, vậy là hồi đó đâm ra ghét nó lắm.

Truyện bắt đầu vào những ngày đầu Đông năm tôi mới tròn 10 tuổi…

Cha tôi là công nhân mỏ than ở dưới thị trấn, gần như mọi ngày trong năm sẽ chả bao giờ thấy cha ở nhà trừ khi vào mùa Đông, mỏ than không hoạt động, đó cũng là khi bước vào lễ “thờ thần Zacian” truyền thống được tổ chức vào đầu mùa Đông hàng năm, kéo dài trong 7 ngày, khi đó mới thấy cha tôi trở về nhà. Mọi năm, mỗi lần cha về đều mang theo vài thứ gì đó, năm thì là cái ổ bánh mì đen đã cứng đơ, nhưng vẫn ăn được và hiển nhiên là cha có thể dễ dàng mua về để làm quà cho gia đình chỉ với giá 5 Pokedolla, năm thì là vài chai rượu ngô giá rẻ có thể dễ dàng mua ở bất kỳ đâu được người ta bày bán cho dân lao động. Chúng đều là những thức quà rẻ tiền. Nhưng cho đến lễ thờ thần Zacian lúc tôi 5 tuổi, cha tôi trở về, nhưng trên tay ông chẳng phải là những ổ bánh mì cứng, cũng chẳng phải rượu ngô, mà là một con Miltank và một con Stoutland. Nhà tôi cũng chẳng giàu có hơn bất kỳ nhà nào trên đỉnh núi heo hắt này cho cam, cả nhà sống dựa vào đồng lương của cha làm dưới thị trấn gửi lên, thêm chút tiền mẹ may vá mà nhiều hôm vẫn “thắt lưng buộc bụng”, vậy mà chả hiểu sao cha tôi lại đâm có cái quyết định ấy. Thời gian đầu, mẹ tôi,  bà tôi nữa… họ phản đối kịch liệt lắm, họ lôi đủ thứ lý do ra bao biện, nào là nuôi Miltank tốn, nuôi Miltank rồi lấy cái gì nuôi nó, nhà còn mấy miệng ăn đã nuôi không nổi… Tuy vậy, cha tôi – người mà trong con mắt của tôi cảm thấy cha cũng như bao gã đàn ông trên núi khác: Cứng đầu và thô kệch. Sau đêm bàn bạc ở nhà, cha tôi cứ ậm ừ úp mở, ông hết đi ra ngoài châm tẩu thuốc, lại đi vào nhà rồi loanh quanh, lâu lâu lại buông mấy lời doạ nạt thét tôi đi ngủ. Trước giờ tôi nào dám cãi lời cha chứ, tôi nghe răm rắp, cơ thể nhỏ bé chui gọn vào tấm vải thô cắt ra làm chăn đắp.

Cứ thế, sau một đêm êm ái được giấc ngủ vỗ về, sáng hôm sau khi thức dậy, tôi đã thấy cha dắt con Miltank to béo vào cái chuồng gỗ ọp ẹp trước sự thảng thốt của mọi người trong gia đình. Bố tôi mặt không bộc lộ chút biểu cảm, cứ thế dắt Miltank vào chuồng, bà tôi mù lòa chỉ biết khẽ lắc đầu, còn mẹ tôi chắc là người phản ứng rõ rệt nhất. Bà nhìn con Miltank béo mập rồi cứ rú lên mãi, hết chạy quanh chuồng Miltank để nhìn ngắm nó, lại thò tay vào trong để nắn lấy những miếng mỡ chắc nịch trên người, miệng bà lắp bắp:

Ôi lạy Chúa! Anh Develop anh kiếm đâu ra tiền để mua con Miltank này?

Cha tôi bấy giờ đang bận tay với Stoutland, ông làu bàu:

Tôi xin ứng trước lương, tôi đi vay mượn, tôi làm đủ thứ để tậu chúng nó về đây.

Nuôi 4 miệng ăn còn đang không đủ? Anh định lấy gì để nuôi thêm 2 miệng ăn nữa?

Cần gì phải nuôi chúng khi chúng phải nuôi lại chúng ta chứ nhỉ?

Cha tôi khẽ hẩy vai, miệng ông vẫn âm ỉ mẩu thuốc lá, ông xích con Stoutland mới tậu vào một góc chuồng, miệng sang sảng gọi tôi từ trong nhà ra:

Còn thằng cu Francis đâu rồi? Sao sáng giờ không thấy nó đâu nhể?

Lúc ấy, tôi đang loay hoay nghịch mấy gốc mâm xôi dại sau nhà, nghe tiếng cha gọi, tôi giật nảy mình. Ôi! Chưa bao giờ mà tôi giật mình như thế, âu là vì tôi sợ sẽ bị cha đánh đòn vì tội ông đi xa về không thấy thằng con trai quý của mình ra chào. Ấy vậy mà, khi tôi lật đật chạy ra, đập vào mắt tôi là 2 con Pokemon kỳ lạ mà bản thân chưa thấy bao giờ, mắt tôi tròn xoe, đứng sát lại gần để nhìn chúng. Con Pokemon màu hồng cứ đứng ngẩn ngơ, miệng nhai một nắm cỏ trong miệng, gần như chúng không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Còn con Pokemon còn lại, màu lông nâu nâu, nó khẽ ngáp dài, nhìn tôi rồi quay đi.

Thú thật thì tôi chả có ấn tượng gì về chúng cả, tôi cũng chẳng hiểu cha đem chúng về để làm gì, nhà tôi không trồng khoai tây như bác hàng xóm, cũng chả ai trong nhà có nhu cầu nuôi Pokemon cả. Tôi nhìn chúng, vẻ hậm hực vì biết thêm người ắt sẽ có thêm miệng ăn, mà nếu có thêm miệng ăn thì ắt tôi sẽ chả bao giờ được ưu ái chia cho nửa củ khoai tây mỗi bữa như trước.

Ấy vậy mà có lẽ tôi đã nhầm, trong lễ thờ thần Zacian, vào ngày thứ ba chúng tôi thường có truyền thống làm bánh rán để cầu cho người đi làm xa sẽ luôn an toàn, khỏe mạnh. Truyền thống là thế, nhưng thú thật là, từ trước đến giờ nhà tôi chưa bao giờ có một ngày ăn chay nào tử tế. Bởi vì, muốn làm bánh rán phải có bột, trứng, sữa, chúng đều là những thứ quá xa xỉ mà cả đời này có mơ tôi cũng chẳng nghĩ tới. Nhưng năm nay thì khác, khi ánh sáng mặt trời chiếu qua tấm rèm che, cũng là lúc cha tôi đã hối thúc gọi tôi dậy:

Cu con đâu rồi? Sao giờ này vẫn còn ngủ hở? Không dậy chuẩn bị cho ngày thứ 3 của lễ thờ thần Zacian sao?

Mắt tôi cay xè vì ngái ngủ, nhưng vẫn cố hỏi lại cha:

Chuẩn bị gì hở cha? Nhà ta có năm nào chuẩn bị cho cái ngày này đâu?

Cha cười sang sảng, tưởng chừng như cái bộ râu màu hung hung của ông ấy đang rung bần bật, ông bế thốc tôi dậy, nói:

Năm nay thì khác, năm nay nhà ta đã có sữa, có bơ, năm nay nhà ta sẽ có một ngày ăn chay ra trò.

Nhà ta lấy đâu tiền để mua sữa với bơ hở cha?” – Tôi vẫn tiếp tục hỏi.

Nếu cu con muốn có, thì phải lao động.

Dội ào một vốc nước để rửa sạch vết bẩn trên khuôn mặt sau một đêm, nhìn ra sân, cha đã đứng đợi tôi với hai cái xô sắt cũ treo lâu ngày trên mái nhà, nay đã được lấy xuống và rửa sạch. Ông đưa tôi một cái, và dẫn tôi ra chuồng của con Pokemon màu hồng từ hôm qua, trên đường đi, ông cũng không quên gửi lời chào đến với con Pokemon có bộ lông hung hung màu nâu:

Buổi sáng vui vẻ nhé anh bạn!

Đoạn, cha quay sang tôi, nhẹ nhàng giải thích:

Nó là Stoutland, một giống Pokemon cực kỳ thông minh và tuyệt đối trung thành. Họ thường nuôi loài Pokemon này với nhiều mục đích, có thể nuôi nó để bảo vệ của cải, gia đình, hoặc là nuôi để trông coi cây trồng như các gia đình trồng khoai tây trên núi ta hay làm…

Mắt tôi trố lên, liếc nhìn con Stoutland và đặt câu hỏi:

Nhà ta không có của cải gì đáng giá, cũng chẳng có khoai tây để trồng, vậy cha mua nó về để làm gì?

Rồi con sẽ biết…

Khẽ đẩy cánh cửa chuồng ọp ẹp, cái tiếng ken két của cửa gỗ nghiến làm con Pokemon màu hồng trong chuồng tỉnh giấc, nó vươn vai cái dài, rồi nằm phè ra để lộ bầu vú đang căng tròn, cha tôi đến, nắn nắn chúng rồi xuýt xoa:

Đúng như mình đoán, con Miltank này tốt sữa thật.

Đoạn, cha gọi với sang tôi:

Nào! Cu con hãy đem xô ra đây.

Tôi làm theo những gì cha bảo, tiếng hai cái xô sắt va vào nhau nghe loảng xoảng, cha tôi vẫn nắn đầu vú nó, miệng xuýt xoa. Đặt xô xuống, cũng là lúc dòng sữa trắng tinh, mùi thơm lừng như hoa Oran đầu xuân tỏa ra từ làn sữa của nó, cứ thế chảy tu tu vào cái xô sắt. Còn tôi, dưới con mắt ngây ngô của đứa trẻ 5 tuổi lần đầu được nhìn thấy thức quà ngon tuyệt này, cứ thế nhảy cẫng lên, vỗ tay liên hồi:

Ôi sữa! Sữa này! Có sữa là sẽ có bơ! Có bơ rồi sẽ có thể làm bánh rán!

Cha tôi bên cạnh, khẽ bật cười, nhưng rồi nghiêm giọng yêu cầu:

Ồ chả phải là ta yêu cầu con ra đây để phụ giúp ta sao? Đừng đứng đực ra như thế, hãy vắt sữa Miltank để đầy ắp hai cái xô này nào.

Chẳng khéo léo được như cha tôi, tôi vụng về, khiến sữa Miltank bắn tung tóe, nó bắn ra khắp chuồng, bắn lên cả người tôi. Làm con Miltank thấy khó chịu cứ rống lên liên hồi như muốn đẩy tôi ra. Cơ mà, nhờ vậy tôi được nếm thử ít sữa, nó ngọt tuyệt!

Cha ở bên cạnh, tiếp tục nói:

Loài Pokemon này là Miltank, sữa của nó ngon tuyệt và không bao giờ hết. Có nó thì mùa Đông năm nay nhà ta sẽ chẳng lo về cái ăn…

*****

Nhờ có con Miltank mà tối đó tôi đã được ăn bánh rán đến no nê, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi có một ngày ăn chay tuyệt vời đến thế. Những chiếc bánh rán được mẹ tôi múc lên từ chiếc chảo bơ còn thơm lừng, khói bốc lên nghi ngút và cứ thế, những cái bánh ngả nâu nâu cứ thế trôi tuột vào đĩa của từng người trong gia đình. Còn tôi, mặc cho bánh nóng hôi hổi, tôi vẫn cứ tọng đầy vào mồm cái thứ bánh còn thơm lừng mùi bơ, được nhào kỹ từ bột với sữa mặc kệ cho bánh làm tôi phỏng hết cả mồm, lưỡi và tay, miệng không ngừng xuýt xoa:

Ôi! Ngon quá!

Cha tôi nhìn tôi rồi bật cười, ông ăn chậm rãi, lâu lâu lại bẻ những miếng bánh lớn còn nghi ngút khói, chia cho Stoutland, mẹ tôi thì tỏ ra không mấy hài lòng, bà cho rằng Pokemon không nên ăn giống người.

Mẹ nó cứ làm quá lên ấy chứ, rồi mẹ nó sẽ thấy con Stoutland này sẽ là một thành viên trong gia đình ta mà thôi.

Như không quan tâm đến những gì cha nói, mẹ hỏi một câu dường như chẳng liên quan:

Con Stoutland thì có thể ăn với chúng ta, ta ăn gì nó ăn nấy, hẵng còn con Miltank thì ta kiếm đâu tiền mua thức ăn cho nó?

Cha ngừng ăn, ông nhìn tôi rồi lại nhìn sang mẹ:

Cần gì mua thức ăn trong khi ta đã có cả kho thức ăn cho nó? Đấy là lý do tôi đem theo Stoutland về nhà đấy. Tranh thủ khi tuyết chưa rơi, cỏ vẫn chưa tàn, mỗi ngày chỉ cần có người dẫn nó xuống thảo nguyên ăn cỏ, trông coi nó thì chả phải có con Stoutland sao?

Thế ai sẽ dắt Miltank xuống thảo nguyên đây? Đường không gần, chắc chắn sẽ phải đi trong ngày?

Tôi dường như chẳng quan tâm đến những gì họ nói vì những miếng bánh đang quấn lấy đầu lưỡi tôi rồi, nhưng cha tôi đánh cái đét lên vai tôi, ông nói lớn:

Còn ai ngoài cậu quý tử Francis này nữa? Nó 5 tuổi rồi, chả phải đã đến lúc nó nên đi làm việc thay vì ở nhà chơi suốt ngày sao?

Mẹ liếc nhìn tôi, giọng nói có chút ngập ngừng:

Nó đi nhặt mấy quả trứng còn không xong, bày đặt đi chăn Miltank.

Mẹ nói có phần đúng, thú thật là tôi nhỏ con hơn tất cả những đứa trẻ ở trên núi này, bà tôi thường nắn lấy đôi chân khẳng khiu và đưa ra lời nhận xét: “Thằng Francis đáng ra không được sinh ra ở đây, nó là đứa con của một gia đình nào trên thành phố mà chúa Arceus đã gói nhầm nó để gửi xuống cho chúng ta”. Thế đấy, trong mắt mẹ, tôi nhỏ con và yếu ớt, trong mắt bà, tôi là một đứa trẻ thành thị. Và giờ đến cha…

Cha tôi không đồng ý, ông vẫn giữ nguyên cái quan điểm là tôi phải lao động, ông bảo hồi bằng tuổi tôi đã có thể kéo cả xe gỗ lớn, chẳng nhẽ có mỗi việc dắt một con Miltank xuống núi rồi ngồi nhìn nó ăn cả ngày lại không làm được? Thế là chuỗi ngày rong ruổi trên thảo nguyên cùng con Stoutland của tôi bắt đầu thế đấy.

Những ngày đầu tháng 10, khi gió mùa Đông bắc bắt đầu rít lên từng đợt báo hiệu cái lạnh ngày một đến gần, những cây sồi lá úa rụng đầy xuống mặt sân lả tả. Thời tiết hoàn toàn thích hợp cho việc rúc vào chăn và đánh một giấc ngon lành, ấy vậy mà tôi đâu được quyền làm thế. Từ 5 giờ sáng, khi những tia nắng còn chưa kịp tràn vào trong căn nhà, trước bếp lửa đỏ rực, mẹ tôi đã nắm cho tôi và Stoutland thức ăn cả một ngày trên thảo nguyên. Thực đơn của chúng tôi không nhiều, nhưng đủ chất: Một mẩu bánh mì đen cả hai có thể bẻ ra ăn chung với nhau, một vài củ khoai tây đã được luộc chín, được gói trong bọc lá và bọn tôi có thể lấy ra ăn bất cứ lúc nào, và chắc chắn là không bao giờ thiếu một chai sữa to dắt bên cạp sườn – một thứ quà mà Miltank mang đến cho chúng tôi. Đường đi xuống núi cheo leo, đèo ngang thẳng dốc hiểm trở, ấy vậy mà những đôi chân trần của chúng tôi ngày ngày phải đi qua đó, đi suốt hai tiếng đồng hồ.

Thời gian đầu, đối với tôi đây quả thực là công việc nhàn hạ, chỉ cần đi qua con đèo ngang kia thôi là tôi như được bước vào thiên đường mới. Thảo nguyên nơi đây rộng mênh mông, những bãi cỏ xanh rì nhìn tưởng đi mãi đi mãi cũng không hết, lâu lâu lại hiện lên trên cái màu xanh ngút ngàn đó chút vàng vàng vài bông hoa dã quỳ. Không chỉ có bãi cỏ, chính cái bầu không khí nơi đây mới thực sự là cái biến nơi này thành một thiên đường, vài giọt sương từ đêm qua chưa kịp lăn xuống đất, chúng còn đọng lại trên những nhánh cỏ làm sộc vào mũi một mùi đất âm ẩm. Bầu trời xanh vô hạn kia cao vời vợi, khiến tôi lâu lâu muốn đưa tay lên với lấy như một đứa trẻ muốn với lấy chiếc kẹo bông nhưng rồi lại thôi. Cứ thế, không phải vì đi chăn Miltank, mà có lẽ là vì thiên nhiên hùng vĩ nơi đây làm tâm trí tôi khỏe khoắn lên hẳn.

Ngày nào cũng thế, sau hai tiếng đi đường đèo, việc duy nhất tôi làm là ngả lưng xuống bãi cỏ, và úp cái mũ làm từ vải thô kín mặt rồi đánh một giấc ngon lành cho đến khi mặt trời lên cao quá đầu. Còn con Miltank ư? Tôi phó mặc nó cho Stoutland, gần như không một lần đoái hoài. Chỉ đến khi tôi tỉnh dậy, cũng là lúc cái bụng của tôi reo réo lên, lúc ấy mới là lúc tôi đoái hoài đến Stoutland bằng cách gọi ới nó về ăn chung cho qua bữa.

Trái với sự vô kỷ luật của tôi, Stoutland làm việc cực kỳ có trật tự, lúc nào mắt nó cũng dán vào con Miltank to béo đang ung dung nhai cỏ, tưởng như một chút xao động nhỏ cũng không bao giờ khiến nó phân tâm. Ôi thế thì chán ngắt lắm, với bản tính hiếu kỳ, lúc nào tôi cũng tìm cách trêu chọc nó, khi thì vớ được hòn đá rồi thản nhiên quăng vào người nó, khiến nó giật bắn mình lên, khi thì tôi lấy cây lau ven đường rồi cù léc con Pokemon này. Đủ trò nghịch oái oăm, nhưng sau cùng nó cũng chỉ cất tiếng “hừ” rồi quay đi làm việc.

Những ngày tháng 10 của bọn tôi trôi qua một cách buồn tẻ như thế đấy. Sang tháng 11, trời trở lạnh, gió Đông cứ rít lên rồi đùa nghịch với lớp áo mỏng dính của tôi. Trời lạnh càng khiến tôi trở nên lười biếng với công việc gấp vạn lần, lúc nào trong đầu tôi cũng trực chờ trốn nhẹm cái công việc chăn Miltank buồn tẻ này. Cơ mà chả bao giờ tôi thành công dù chỉ một lần, cái roi mây trên trần nhà lúc nào cũng sẵn sàng trôi tuột vào tay cha tôi để quất cho đứa lười biếng này vài nhát. Nhiều lúc, đi làm việc mà tôi cứ than thở mãi: “Tự dưng vác hai con này về làm gì để ôm thêm việc vào người” mà dường như tôi quên mất sữa tôi uống hàng ngày từ con Miltank mà ra.

Tuy vậy tôi cũng không hẳn là cô đơn giữa chốn thảo nguyên này, mối quan hệ giữa tôi và Stoutland không tốt cho lắm, nhưng suốt tháng trời rong ruổi nơi thảo nguyên này đã giúp tôi làm quen được một đứa bạn mới. Thằng Benly, tôi hay gọi nó là Ben, phải nói là ấn tượng đầu tiên với tôi về nó là mớ tóc xoăn tít, mỗi khi nó cười là lộ ra cặp răng thưa to đùng, và trên má nó có chút tàn nhang. Benly nhà ở thị trấn, nó cũng trạc tuổi tôi bấy giờ, tôi cũng không rõ nhà nó gia cảnh ra sao, tôi chỉ biết là nó đi chăn Wooloo thuê mà thôi.

Một ngày nọ, tôi cùng Benly ngồi dưới một gốc cây cổ thụ to, cả hai thưởng thức bữa trưa của mình một cách ngon lành. Ngày nào cũng thấy Benly đem theo pho mát làm từ sữa Wooloo, thế đấy, tôi có bánh mỳ, nó có pho mat, thế là cả hai chả bao giờ lo về bữa ăn kém ngon miệng. Con Stoutland của tôi thì chả ưa cái thứ pho mát ngầy ngậy ấy, với nó thì bánh mì không vẫn dễ ăn dễ nuốt nhất. Đồng hành với Benly là một con Rowlet, tôi cũng chả hiểu con Rowlet này rốt cuộc có tác dụng gì mà chúng cứ dính nhau như sam. Thây kệ, tôi chỉ biết là nhờ có Benly mà những ngày rong ruồi trên thảo nguyên của tôi bớt nhàm chán. Nhìn con Rowlet đang ngủ ngon lành trên đầu thằng nhóc này, tôi thấy nó thật ngớ ngẩn, ngớ ngẩn đến mức tôi phải phì cười:

Con cú ngốc nghếch kia rốt cuộc là có tác dụng gì khiến mày cứ dính nó mãi thế?

Benly bỏ miếng bánh đang ăn giở, hắn nhìn tôi, nghiêng đầu khó hiểu:

Cậu ấy là bạn tao, chỉ có vậy thôi?

Nhận được câu trả lời từ Benly, nó chỉ khiến cho tôi cười lớn hơn:

Bạn? Thật ấy hả?

Chứ sao nữa?

Thú thật, sinh ra trên núi, tôi cũng không biết thế nào là làm bạn với Pokemon của mình, tôi chỉ biết rằng chúng tôi nuôi Pokemon đều có mục đích cả. Bởi chúng tôi không bao giờ thừa tiền để nuôi không bất kỳ ai. Dù là ai trong gia đình đều phải lao động và tỏ ra bản thân mình có ích. Như con Milktank nhà tôi cho sữa, bọn tôi cho nó những bó cỏ thơm lừng thì đổi lại nó cho bọn tôi bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Con Stoutland nhận từ bọn tôi những miếng bánh ngọt ngào, những miếng thịt cháy thơm thơm thì đổi lại nó phải trông Miltank, nó phải canh chừng những con Pokemon hoang cứ chực chờ bên mảnh vườn nhà tôi. Thế đấy, ở đây, tất cả như một cuộc trao đổi.

*****

Tôi đã kể với các bạn là tôi ghét Stoutland, nhưng không phải ghét nó vì tự dưng phải đi chăn bò. Mà là ghen tỵ đúng hơn.

Đó là vào một ngày chủ nhật đẹp trời, đối với đám trẻ thành phố, chủ nhật là ngày chúng sẽ nằm bò trên giường cả ngày sau một tuần học tập mệt mỏi. Tôi thì không như thế, việc chăn bò này không có một ngày nghỉ, bởi nếu không dắt Miltank đi ăn thì hôm ấy nhà tôi không có sữa.

Như mọi ngày, hôm ấy tôi lại ở cùng Stoutland trên thảo nguyên.

Đang mê mẩn nằm thườn trên bãi cỏ, bỗng, tôi nghe được tiếng gọi của Benly:

Này Francis! Xuống dưới này đi!

Uể oải bỏ cái mũ da xù ra khỏi mặt, tôi nhăn mặt cúi xuống dưới đồi cỏ nhìn thằng Ben với vẻ khó chịu, tôi hỏi gắt:

Gì thế?

Trông hộ tao đàn Wooloo này một lúc nhé! Tao có việc cần về nhà gấp! Rồi tao quay lại ngay!

Chưa kịp để tôi cất lời, Benly chạy vụt đi mất, để lại tôi ngồi bần thần nhìn đám Wooloo đang đủng đỉnh gặm cỏ. Mới đầu là đứng hình, sau rồi cũng đành miễn cưỡng chấp nhận, tôi trượt xuống bãi cỏ cạnh đàn Wooloo, ngồi nhìn chúng ăn mà mặt không cảm xúc.

15 phút, 30 phút, rồi hẳn 1 tiếng trôi qua, Benly vẫn chưa về, còn tôi thì bắt đầu chán với việc cứ nhìn mấy con Wooloo vô tri này và bản thân cứ phải nghịch mấy nhánh cỏ may cho đỡ chán. Con Stoutland thì đang bận với Miltank rồi, con chó này chúa kỷ luật, như tôi nói rồi đấy, nó mà đã tập trung thì đừng mong dứt nó đi được. Mà thú thực tôi cũng chả hy vọng việc nó sẽ chơi với tôi cho lắm. Thế đấy, cơn buồn ngủ ập đến với tôi như cơn mê lạ lùng. Trời hôm ấy nắng nhẹ, gió hiu hiu, một cái thời tiết có thể cuốn con người vào giấc ngủ bất cứ lúc nào. Bản thân tôi sao có thể cưỡng lại được chứ? Bấm bụng tự nhủ mấy con Wooloo ngu ngốc đó sẽ không đi đâu cả đâu. Lại chụp mũ lên mặt, tôi lăn kềnh ra bãi cỏ.

Đã bao nhiêu thời gian trôi qua, tôi không biết, tôi chỉ biết có một giấc mơ kỳ lạ rằng bóng đêm đang bao trùm lấy tôi, và bên tai tôi văng vẳng tiếng thất thanh của thằng Benly:

Này Francis! Dậy đi! Đàn Wooloo của tao đâu rồi?

Nó cứ văng vẳng mãi, văng vẳng cho đến khi tôi chợt nhận ra rằng nó chẳng phải mơ. Benly lay người tôi mạnh như thể tôi là một cái xác chết. Hậm hực gạt tay nó, tôi ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở trỏ tay vào bãi có trước mặt:

Mày bị mù à? Chúng nó ở… Ối!

Thôi xong, một đàn Wooloo hơn hai chục con mới đây còn đang ung dung gặm cỏ mà giờ biến mất không một dấu tích. Cứ như đám Wooloo là những Jumpluff, một ngọn gió vô tình lướt qua dải thảo nguyên này đã cuốn Wooloo bay đi mất vậy. Thế đấy, tôi phát hoảng, đứng dậy vội rồi chạy ngó nghiêng khắp nơi, gọi tên Wooloo trong lo sợ. Tôi hoảng một, Benly chắc phải hoảng mười, nó chạy bắn đi theo tôi, giọng nó gào lên bất lực…

Vô vọng quá, bọn tôi tìm không được con Wooloo nào, Benly quíu cả chân lại rồi, nó bủn rủn, ngồi thụp xuống đất mà oà lên nức nở:

Ôi! Mất hết rồi! Thế là mất hết rồi! Cả nhà tao làm cả năm có khi còn không đủ tiền đền Wooloo cho người ta nữa? Công sức mấy tháng trời của tao, tao còn chưa nhận được một xu nào, thế mà nay mọi thứ đổ sông đổ bể. Không có tiền thì sang mùa Xuân tao lấy đâu tiền mà đi học hả Francis ơi?

Tôi nhìn Benly, nhìn thằng nhóc gầy còm mà tôi hay trêu chọc và tỏ vẻ đàn anh. Nhìn nó tôi thấy thương lắm, mà tôi chẳng dám nói với nó một lời chia buồn hay một lời xin lỗi. Bởi chẳng phải tất cả là do sự thiếu tập trung và chủ quan của tôi gây ra sao? Bây giờ cảm giác tủi nhục đã bao trùm lấy tôi rồi, tôi cũng ngồi xuống đất, òa khóc, tôi thấy xấu hổ vì làm mất bầy Wooloo của Benly, càng thấy xấu hổ hơn khi nó thậm chí không buông một lời trách móc đến tôi.

*****

Một bác nông dân làm ở trang trại cà rốt dẫn bọn tôi đến chứng kiến cảnh đám Wooloo ngu ngốc đó đang tàn phá cả trang trại của bác ý như thế nào. Thế đấy, bọn Wooloo không mất, chúng mò xuống phá trang trại của người ta ở ngoại vi thị trấn. Và đoán xem tại sao bọn tôi tìm được lại đàn Wooloo nào? Nhờ Stoutland chứ ai? Chính con chó ý đã bỏ bê cái con Miltank nó chăm bẵm suốt ngày để chạy đi lùng sục khắp nơi suốt cả tiếng đồng hồ để tìm đàn Wooloo cho chúng tôi.

Tìm lại được đàn Wooloo, thằng Benly vui phải biết. Ấy thế mà niềm vui chưa dược bao lâu, nỗi lo lắng đã ập đến. Người ta bắt vạ bọn tôi những 1000 Pokedolla cho cái trang trại bị đám Wooloo phá tanh bành. Thế đấy, hai đứa trẻ, hai con Pokemon, giờ đào đâu ra nổi 1000 Pokedolla mà trả cho người ta chứ?

Không có tiền trả, người ta đòi gặp bố mẹ chúng tôi. Nghe đến đây thôi mà tôi và Benly xoắn xuýt lại. Trong đầu Benly nghĩ gì lúc ấy, tôi không biết. Nhưng tôi cá nó cũng đang run bần bật như tôi, còn tôi chỉ cần nghĩ đến ngọn roi mà cha giắt trên mái nhà, khuôn mặt giận dữ của cha khi biết tôi vừa gây ra vụ báo đời báo đốm này. Nghĩ đến mà tôi thấy lạnh sống lưng…

Stoutland lại xuất hiện, như một vị anh hùng, bằng một cách thần kỳ nào đó nó đã thương lượng thành công với người ta giảm giá bồi thường xuống còn 700 Pokedolla, rồi được tăng thời gian gia hạn là đến mùa Xuân chúng tôi sẽ trả đủ 700 Pokedolla cho họ. Loay hoay mãi mới thoát được, tôi còn nghe được lão nông dân khen con Stoutland này khôn khéo. Còn về phần tôi, từ hôm đó đã rút ra được một bài học nhớ đời rằng làm gì cũng không được lơ đễnh.

*****

700 Pokedolla, nghĩa là tôi và Benly mỗi đứa phải cố kiếm được 350 Pokedolla trước khi mùa Xuân đến. Thằng Benly còn có thể lấy lương chăn Wooloo để ứng, còn về phần tôi, tôi biết làm gì để kiếm ra tiền đây?

Từ ngày đó, mỗi khi ra thảo nguyên là đầu óc tôi lại hỗn độn lạ thường. Chả phải là chăm chăm đi ngủ và nằm thườn ra nhìn mây trời nữa. Tôi nghĩ xem mình nên làm gì để có tiền. Có những lúc mà tôi nghĩ hay nói toẹt cho cha biết vụ này? Nhưng mà cái roi trên trần nhà ám ảnh tôi quá….

Cứ thế, thời gian trôi như mây lướt qua vùng thảo nguyên xinh đẹp này. Cho đến một ngày, tôi phát hiện ra, con Stoutland nhà tôi thực sự tinh tường… nó… là một nghệ sĩ tài ba. Thật sự đấy, con Pokemon này cực kỳ đam mê nhảy múa, và có khi là việc nó nhảy múa hằng ngày đã diễn ra từ lâu rồi có khi tôi không hề hay biết.

Đó là một buổi trưa trên thảo nguyên rộng lớn như bao ngày khác, tôi nhận ra là dạo này, sau giờ ăn trưa Stoutland luôn lẻn đi đâu đó mất một lúc lâu nó mới quay về. Mới đầu tôi vốn chẳng quan tâm đến nó đâu, nhưng mà 1 tuần, rồi 2 tuần, nó cứ đi mất hút như thế, khiên tôi đâm tò mò.

Này Stoutland, dạo này sau bữa trưa mày hay lẻn đi đâu thế?

Stoutland nghe được, mà nó làm thinh, đuôi và tai nó khẽ phe phẩy đuổi mấy con nhặng xanh đi. Biết nó không nghe, tôi đâm tự ái. Được rồi! Mày không trả lời thì ông đây tự tìm hiểu.

Đó, nó lại chuẩn bị bỏ đi rồi, lần này tôi quyết bám theo để xem nó đang làm gì mờ ám sau lưng mình. Bám theo con chó, vạch lớp lá cây, tôi sững sờ khi Stoutland đang khiêu vũ bên dòng sông. Nhìn cách nó nhảy uyển chuyển y như một vũ công vậy. 4 chân của nó mềm dẻo, cứ lượn vòng trên bờ đá, nó nhảy lên, xoay người, có những giọt nước tạt lên theo vũ khúc của nó. Nó đáp đất cũng điệu nghệ, một chân trước của nó đáp xuống, cả người nó giữ im, xoay người và cúi xuống như cách một người nghệ sĩ chào khán giả.

Tôi như há hốc mồm trước màn trình diễn đó, sao mà có thể tin rằng con Pokemon nhà tôi lại tài ba như thế. Không kìm được, tiếng vỗ tay của tôi vang lên, làm nó giật bắn mình.

Thấy tôi lù lù từ lùm cây bước ra, nó sững người, nhưng rồi cái dáng vẻ đạo mạo của nó vẫn kênh kiệu lắm. Tôi mặc kệ, lao đến, xuýt xoa trước con Pokemon này:

Thật tuyệt vời! thật tuyệt vời, mày nhảy đẹp y chang một vũ công.

Stoutland ngẩng cao đầu, một chân nó đưa lên ngực, cúi người xuống như cách nghệ sĩ chào khán giả. Không biết là do tôi tưởng tượng hay sâu trong lớp lông xù của nó, miệng nó đang nhoẻn nụ cười.

Nhưng mà… mày biết mày còn thiếu gì không hả?

Nó nghiêng đầu, nhìn tôi dò hỏi

Mày còn thiếu nhạc đó! Một bài nhạc cho vũ khúc của mày!

Nói rồi, tôi đứng lên, lấy một hơi dài và bắt đầu ngân nga một điệu khúc, đó là Bài ca truyền thống của người dân Galar. Đừng nghĩ tôi ở trên núi cao mà tôi ấu trĩ, đó giờ tôi luôn đam mê ca hát, tôi yêu ca hát, thật tiếc là người dân ở đây họ chẳng hề quan tâm đến cái tài đó của tôi, đối với họ đó chỉ là một việc xướng ca vô loài. Họ không cần một chàng trai ca hát hay, họ cần một chàng trai khỏe khoắn kéo cả một xe gỗ. Nhưng mà, ở đây không chỉ còn mình tôi cô đơn nữa, thật tuyệt khi có Stoutland cũng mê nghệ thuật giống như tôi.

Stoutland lắng nghe tôi hát như một quý ông lịch thiệp đang nghe hòa nhạc. Có vẻ nó cũng ưng giọng hát của tôi lắm.

Những ngày sau đó, chẳng còn là những khoảng cách giữa hai người. Chẳng còn là những lần nằm ngủ lăn sau bữa trưa nữa, mà đó là những buổi hòa nhạc vui vẻ của hai đứa tôi, dĩ nhiên là khán giả của bọn tôi chỉ có duy nhất hai người là Benly và Rowlet thôi. Nhưng mà nhìn hai đứa nó cứ vỗ tay liên hồi ủng hộ chúng tôi, bọn tôi cũng mê lắm. Thằng Benly tinh anh, nó nói giọng ca của tôi khoẻ khoắn như những tên cướp biển vùng Carribe huyền thoại, nó nói những vũ đạo của Stoutland y hệt như những vũ công chuyên nghiệp trong một buổi diễn Opera mà nó đã xem trộm bằng cửa sau. Đúng là một tên nhóc khéo nịnh.

Cũng nhờ vào âm nhạc, tôi và Stoutland đã hiểu nhau hơn. Âm nhạc gắn kết bọn tôi như thế đấy.

*****

Cũng nhờ âm nhạc, tôi đã tìm ra cách để giải quyết vấn đề 350 Pokedolla đau đầu kia.

Tôi và Stoutland rong ruổi suốt buổi tối dưới thị trấn nhộn nhịp, chúng tôi hát rong, rồi dần dà tự phong cho mình cái danh hiệu nghệ sĩ đường phố.

Những ngày đầu, dường như không một ai để ý chúng tôi cả. Mặc dầu người người đi tấp nập trên phố, trên tay họ là những túi hàng hóa ẩm mùi bánh mì và sữa thơm phức, thậm chí là có cả khách khứa từ xa đến. Nhưng dường như không một ai để ý đến hai đứa trẻ đang gào cổ lên biểu diễn trên đường phố. Có những ngày nhiều thì bọn tôi chỉ kiếm được 5, 6 Pokedolla, còn không đủ nhét kẽ răng, thậm chí có những ngày đứng cả tối trên phố mà chẳng có một đồng nào.

Bọn tôi không hiểu, thực sự không hiểu? Có phải là do tôi hát quá khinh khủng, hay do Stoutland nhảy không đẹp. Nhưng chẳng phải Benly đã khen chúng tôi đến thế sao? Benly nào có nói dối ai bao giờ? Nhưng chúng tôi quên mất rằng thằng Benly thì có hiểu gì về nghệ thuật đâu.

Những đêm đông giá rét và ê chề, bọn tôi dường như thất bại trong việc kiếm tiền bằng nghề ca hát. Nhưng dường như Chúa Arceus không bao giờ bỏ rơi ta. Trong lúc bế tắc, Chúa Arceus đã gửi đến cho tôi cuốn tiểu thuyết “Không gia đình”.

Đó là cuốn tiểu thuyết tôi nhận được từ một người khách thập phương coi như quà kỷ niệm. Mới đầu tôi vốn chẳng quan tâm đâu. Cho đến khi đọc, đọc thật kỹ, đọc chăm chú, tôi phát hiện ra rằng bé Rémi trong câu truyện này giống chúng tôi đến nhường nào. Cũng là những đứa trẻ hát dạo trên phố, có lẽ chỉ khác ở chỗ rằng Rémi đi đây đi đó, còn bọn tôi mãi chỉ loanh quanh nơi thị trấn nhỏ.

Phải đấy! Phải đi nhiều mới có khách, đi nhiều nơi, đến những nơi nhộn nhịp nơi mà người ta sẽ thừa tiền cho những nghệ sĩ đường phố để họ biểu diễn. Đến những nơi mà không còn những lời dè bỉu: “Chỉ có thế thôi à” nữa. Và thế là chúng tôi đi, một người một Pokemon trên chiếc xe tuyết tự chế, vượt cả cây số đến nơi thành phố nhộn nhịp.

Chúa Arceus phù hộ chúng tôi, từ ngày chuyển địa điểm biểu diễn, không ngày nào là chúng tôi đói tiền. Đám trẻ thành phố ưa những màn kịch tự chế của chúng tôi lắm. Chúng nó ưa nhất cái vở kịch 2 người mà bọn tôi tự đặt tên là “Người đầy tớ ngu ngốc của quý ông Stoutland”, nội dung vở kịch xoay quanh 2 nhân vật chính là tôi và Stoutland, trong khi nó khoác vai một quý ông đạo mạo, còn tôi sẽ vừa hát vừa thoại và vào vai một tên đầy tớ ngốc nghếch, vào vai tâm điểm của sự hài hước cho màn kịch này. Có lẽ là việc ca hát và phối hợp diễn đã khiến thằng nhóc Francis này trưởng thành hơn, chẳng còn những đố kỵ và ganh đua.

Diễn kịch cho tụi nhỏ chán chê, là màn trình diễn Pokemon đầy màu sắc từ bộ chiêu thức của Stoutland. Bọn tôi nghĩ ra đủ trò với bộ chiêu của Stoutland ý chứ, nào là những quả cầu bóng đêm tung lên trời rồi nổ bùm thành những tràng pháo hoa, rồi răng nanh lửa thiêu của Stoutland chính là những màn múa lửa tuyệt vời, cứ thế, một buổi tối chúng tôi có thể kiếm tầm 30 Pokedolla, có hôm thậm chí là 50 Pokedolla. Biểu diễn ở khu phố này chán, chúng tôi chuyển sang khu khác.

Chẳng mấy chốc mà bọn tôi gom đủ 700 Pokedolla rồi, gom đủ trước hạn luôn. Ấy thế mà bọn tôi vẫn đâm đầu vào trình diễn. Chẳng phải là biểu diễn vì tiền, nó là vì đam mê.

Vào đêm Giáng Sinh, bọn tôi đi biểu diễn sớm hơn thường lệ, bởi đó sẽ là một đêm ganh đua quyết liệt giữa các ban nhạc đường phố. Mới 7 giờ tối mà khắp nơi đã trang hoàng sắc đỏ, những cây thông Noel cao kều vang lên tiếng chuông từ những chùm lục lạc. Bọn tôi trước đây như hai ông hoàng biểu diễn của thành phố này, nay lại cảm thấy bản thân như hai hạt cát nhỏ giữa sa mạc. Khắp nơi trên phố, những dàn đồng ca vang lên câu hát chúc mừng Giáng Sinh an lành thật rộn ràng. Đằng xa, những màn biểu diễn nhào lộn của những gã hề ấn tượng làm sao. Và còn nhiều nhiều nữa các ban nhạc lớn nhỏ. Và chẳng ai ý đến hai đứa trẻ thường biểu diễn nơi góc phố ngày nào…

Đến cả chỗ bọn tôi thường biểu diễn cũng bị người ta chiếm mất, thế đấy, bọn tôi hòa vào làn khán giả, ánh mắt cả hai nhìn thẫn thờ với hy vọng ban nhạc đó sẽ nghỉ sớm và bọn tôi sẽ lại có đất diễn….

Suốt 3 tiếng chờ đợi trong vô vọng, tôi và Stoutland ngao ngán, thoát ra khỏi đám khán giả ồn ào kia, đi tuốt một mạch về phía cuối phố.

Tuyết đã rơi, ở cuối phố ít ồn ào hơn, nhưng ở đây vốn không biểu diễn được, có ai xem đâu mà biểu diễn, mọi người tập trung ở trung tâm hết rồi.

Ngồi bệt xuống trước mái hiên một cửa hiệu, không giấu nổi sự thất vọng ê chề, cứ tưởng rằng đã đến đủ sớm, cứ tưởng rằng vào ngày lễ lớn này túi tiền của bọn tôi sẽ rủng rỉnh những đồng xu để bọn tôi dùng để ăn quà và tiêu vặt những ngày sau. Ấy thế mà mọi thứ hoàn toàn trái ngược với dự định.

Tôi thở dài, con Stoutland cũng thế, lúc ấy tiếc là tôi đã không đủ tinh tế để nhận ra những tâm tư và kỷ niệm một thời xa vời đang bao trùm lấy tâm trí con Pokemon này. Stoutland ngồi lặng thinh, nó dán mắt vào tấm Poster một nhà trình diễn chụp cùng một con Lilipup, tấm poster đã ngả vàng, chứng tỏ tuổi đời của nó đã lâu lắm rồi.

Mãi sau này, tôi trưởng thành hơn, biết nhiều hơn, tập lắng nghe và thấu hiểu Stoutland hơn, tôi mới biết về một quá khứ huy hoàng của nó. Một quá khứ về thời trẻ đi đây đi đó trên những sàn diễn nổi tiếng, một quá khứ về một thời làm một minh tinh khi chủ của nó chưa sa đà và lầm lỗi vào truỵ lạc để rồi đổ vỡ đi sự nghiệp. Thế rồi mới thấy, con người ta khi lầm đường lạc lối đáng sợ như nào.

Tuyết bắt đầu rơi dày hơn rồi, hai đứa toan quay về. Nhưng có tiếng nói của một người đàn ông đã giữ bọn tôi lại, tiếng nói cất lên giữa con ngõ nhỏ mà khiến cả hai bàng hoàng và sửng sốt. Người đó là cha của tôi:

Hôm nay hai đứa không biểu diễn hử?

Tôi quay lại, nhìn cha, sững sờ và sợ hãi chạy thẳng qua qua não và tuôn xuống tạn ngón chân của tôi. Nhìn cha đi đến, tôi ríu người lại, chờ đợi cái bạt tai mà người đàn ông khô khan này sẽ dành tặng cho đứa con làm không làm lại lén lút đi nhảy múa. Nhưng không, cha đặt lên vai tôi vài đồng tiền sáng loáng, từ tốn bảo:

Hai đứa diễn cho cha xem vở kịch: ‘Gã đầy tớ ngu ngốc của quý ông Stoutland’ nhé?

Đêm Giáng Sinh năm ấy, bọn tôi biểu diễn cho một vị khách duy nhất, cũng là vị khách đặc biệt nhất trong sự nghiệp của chúng tôi….

*****

Giờ tôi đang ngồi đây, bên chiếc bàn học của Ký túc xá học viện đào tạo năng khiếu Galar để viết và kể lại câu truyện này cho các bạn nghe. Nhớ về những tháng ngày thơ ấu ấy, tôi mới nhận ra cha tôi là người cha vĩ đại đến nhường nào. Cả đời cha nhịn ăn nhịn mặc được chứ quyết không để tôi lụi tàn ước mơ ca hát. Cả đời cha ít học nhưng cha không tiếc gì để chúng tôi được học cao. Cả đời cha mù tịt về nghệ thuật nhưng cha vẫn luôn ủng hộ con đường nghệ thuật của bọn tôi theo cách riêng.

Tôi có nên mật mí rằng vào những ngày tháng đó, không tối nào cha không đi xem chúng tôi biểu diễn trong lặng thầm không nhỉ? À cả việc bọn tôi đang ngồi ở đây, ở ngôi trường này cũng là nhờ cha đã nhịn ăn nhịn mặc lấy tiền cho chúng tôi theo học suốt những năm qua nữa. Cha đã nói với tôi: “Cha không cần con phải kéo cả xe gỗ như những đứa trẻ khác ở trên ngọn núi này, cha chỉ cần con hãy sống một đời con thích, sống một đời thật ý nghĩa.

Thế đấy, cha tôi tuyệt vời vậy đấy…

Tác giả: Hoàng Thị Khánh Linh.

TỪ TRANH MINH HỌA – THÀNH CHUYỆN CÙNG KỂ
DMCA.com Protection Status