VUI VÀ BUỒN

Hôm ấy tôi thấy em khóc, đó là ngay trước giờ giao thừa, gió thổi từng cơn buốt giá, tôi trốn nhà đi chơi với đám bạn về thì gặp em ở chiếc ghế tại công viên. Tôi và em từng chơi thân với nhau khi còn học mẫu giáo, do mẹ của hai đứa là bạn thân, họ từng đi du hành cùng nhau khi còn trẻ. Lúc đầu tôi còn tưởng là ai khác nữa cơ, nhưng cứ thấy quen quen, nhìn một lúc thì tôi mới nhận ra. Em ôm bé Ralts vào lòng, tóc em xõa rối bời mà như làn suối róc rách nhẹ nhàng, ẩn sau làn suối ấy là những giọt nước mắt giàn giụa, em mặc một bộ đồ khá là phong phanh so với tiết trời ngày hôm ấy. Ở trường, lúc đi chơi với bạn, thậm chí cả những lần vô tình gặp em trên phố tôi chẳng thể nhớ em trông như thế này, em luôn trông đoan trang, hiền dịu, đầu tóc em luôn gọn gàng, em có chuyện gì, không! Đã có chuyện gì mà em lại ra đường với bộ dạng này?

Đám bạn tôi bàn tán to nhỏ một lúc rồi cũng quay đi, chẳng đứa nào thèm quan tâm, hay đúng hơn là bọn nó lơ đi em. Cũng phải thôi, với chúng, thậm chí là cả với tôi nữa, em như một ngôi sao, à không một mặt trời rực lửa nơi chân trời, một nàng ngôi sao lấp lánh hút lấy mọi ánh nhìn tại trung tâm một thiên hà nhộn nhịp nào đó, ở thật xa, thật xa khỏi tầm với của chúng. Đám trẻ thích những vì sao, ánh trăng, thích bàn tán về vẻ đẹp của đóa hoa lạ giữa bãi cỏ, nhưng lại chẳng bao giờ dám tiến tới để hái về cho mình cả. Chúng nó nhìn nhau rồi đứa nào đứa nấy quay xe bỏ đi, tôi chẳng khác chúng, tôi chỉ nhìn em từ xa, tôi đã định quay đầu đi theo bọn nó luôn, phần nhiều là do tôi đi nhờ xe đứa bạn, nhưng giữa đám con nít tí tuổi đầu ấy cũng có chút khác nhau.

Chút ít ấy của tôi khiến tôi nhảy khỏi yên xe đạp mà lên phi thuyền bay thẳng vào không gian tìm kiếm mặt trời chói lòa ấy, không do dự hay chùn bước tôi tiến thẳng đến em, khi ấy tôi chỉ muốn xem em có ổn không thôi. Nhưng khi đến nơi thì tôi lại ngơ hết cả người, cái quan tâm tôi dành cho em kẹt lại cổ họng khiến tôi chẳng thể cất lời.

Sao thế?

Em lau vội nước mắt, sụt sịt thốt lên.

Tôi chẳng nhớ lúc ấy đã nói gì với em, chỉ nhớ mình run như cầy sấy, tay thì cuống cuồng múa máy, mồm thì lắp ba lắp bắp hỏi em mấy câu, cái duy nhất tôi nhớ rõ là em thật đẹp và câu chuyện gia đình của em lại không đẹp như vậy.

Lúc đầu em định không kể đâu, nhưng sau thì em vẫn kể, em nói rằng bố mẹ em luôn cãi nhau, em nghĩ rằng mình là lý do cho những cuộc cãi vã đó. Em luôn cố làm một đứa con ngoan, đạt thành tích tốt trong học tập, vui vẻ với bạn bè, đối xử tốt với mọi người, lễ phép với người lớn,…. Rồi mọi lời khen đến với em như một điều hiển nhiên sau mọi cố gắng, tất cả chỉ mong muốn gia đình em được êm ấm. Mọi chuyện đã tốt hơn, ít nhất là em nghĩ vậy, nhưng rồi những cuộc cãi nhau của bố mẹ em vẫn không dừng lại. Em lại cố gắng hơn nữa, đem về nhà những con điểm tốt, những tờ giấy khen, em đã cố gắng rất nhiều nhưng vết nứt trong gia đình ngày một lớn hơn, lớn đến nỗi mà một đứa trẻ tuyệt vời như em không thể nào vá lại được, hoặc vốn dĩ em chẳng thể ngăn nó lại, dù chỉ là một chút.

Em ôm lấy bé Ralts vào lòng, tự trách mình vì nghĩ bố mẹ em cãi nhau là do em không ngoan, từng tiếng khóc nức nở cứ chèn vào lời em nói.

Đấy nào phải lỗi của em, giá mà lúc ấy tôi đủ can đảm để thốt lên phủ nhận những câu nói sai lầm về bản thân của chính em, hoặc đủ chín chắn, hay chỉ đơn giản là an ủi em vài câu thay vì im lặng nghe câu chuyện đau lòng của em. Nhưng khi ấy tôi chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ hạnh phúc hơn em rất nhiều.

Rồi cái gì đến cũng đến, bố mẹ em quyết định ly hôn ngay trước đêm giao thừa này. Mẹ em là người đề nghị, hai người định đến tết mới nói cho em nhưng em đã lén nghe được toàn bộ trong một góc. Em cố tự lừa bản thân rằng em đã nghe nhầm, nhưng bố em nói rằng ông đồng ý. Em như chết lặng, đôi chân đưa em khỏi nhà, em cứ chạy, chạy mãi rồi dừng chân tại đây.

Cậu bất ngờ lắm à?”

Em hỏi tôi thế đấy, tất nhiên tôi bất ngờ rồi, tôi ngỡ cuộc sống em luôn luôn là màu hồng, em là đóa hoa đẹp nhất trong những đóa hoa đẹp nhất, em sẽ được vây quanh bởi những người tuyệt vời, những điều tuyệt vời chứ? Không! Sự thật là không hề, tôi mặc định những thứ đó vì ở trường em luôn được vây quanh bởi những đứa đẹp trai, những cô nàng ưu tú, điểm số cao chót vót, thầy cô khen ngợi, bạn bè yêu quý. Em là con nhà người ta trong lời mấy bà hàng xóm, em là công chúa trong truyện cổ tích, thậm chí em có thể là cả hoàng tử. Hoặc chẳng cần hoàng tử, nhưng tôi lại quên mất em cũng là một đứa trẻ, em có thể gặp những chuyện không mong muốn như bất kỳ đứa trẻ nào, như bất kỳ ai không hạnh phúc ngoài kia.

Tự nhiên không hiểu sao tôi lắp bắp hỏi em sao không thi đấu Pokemon bao giờ, tôi tiếp tục hỏi có phải do em sợ Ralts đau không, như cách em bị tổn thương vậy. Em không trả lời, em kể tôi nghe về cậu bé hàng xóm gần nhà em, cậu bé ấy nhút nhát đến lạ, cậu bé chẳng bao giờ chịu thò đầu ra ngoài. Cậu bé ấy không có bố nên lúc nào cũng bám lấy mẹ, cứ hở tí là mau nước mắt, nước mũi. Nhưng cậu bé tội nghiệp có thể thoải mái khóc, em nói với hàng lệ chảy dài, sẽ chẳng có ai bỏ cậu bé chỉ vì cậu khóc cả. Em tự hỏi rằng cậu bé khóc vì không có bố ở bên, hay là vui vì ông không ở cạnh? Liệu em có thể hạnh phúc như cậu nhóc ấy không? Khi em sống thiếu đi bố hoặc mẹ?

Cứ khóc đi, cậu có khóc thì tớ cũng chẳng bỏ cậu mà đi đâu.

Tôi đã nói vậy đấy, tôi không hiểu sao mình lại nói vậy nữa, nhưng sau đấy em khóc như mưa, những tiếng nấc cứ vang lên mãi không thôi. Bé Ralts trong tay em lại bặm môi lại, nó đang cố ngăn nước mắt trào ra. Pháo hoa từ đâu bỗng thắp sáng bầu trời đêm, soi rõ nơi chúng tôi ngồi, bóng hai đứa trẻ in dài trên mặt đất. Em gục đầu vào bé Ralts mà khóc, bé ấy cũng không cầm được mà khóc theo, còn tôi thì lặng lẽ ngắm em. Thế là giao thừa năm ấy tôi đã không ở cùng gia đình, cũng là giao thừa đầu tiên tôi dành bên người khác, người tôi thầm thương.

Những đóa hoa lộng lẫy kia đã tàn, một hồi lâu sau em cũng nguôi ngoai. Tôi đưa em về nhà, tất nhiên là đi bộ, đám bạn đã bỏ về hết khi tôi đến chỗ em rồi, ít nhất có con Deino đã quay lại, thông thường nó sẽ chạy lên trước tôi mà lao đi nhưng hôm ấy nó lại cứ lẽo đẽo theo sau tôi mãi mà chẳng chịu vượt lên. Trên đường những chú Taillow bé nhỏ dang cánh lướt qua đầu bọn tôi, lúc ấy tôi không để ý đến chúng, vì cạnh tôi là em, một cô bé đang nặng trĩu nỗi buồn.

Em bỗng kể về việc nếu em phải chọn giữa mẹ và bố, dù chọn ai đi nữa em cũng phải chuyển đi đến một nơi nào đó khác, vì nếu ở lại đây họ sợ rằng em sẽ phải chịu những điều không hay. Em không muốn đến nơi xa lạ, em sợ nơi mà em không biết gì, em càng sợ phải sống trong cảnh thiếu cha hoặc mẹ, em không dám nghĩ tới điều ấy. Tôi cứ lặng lẽ lắng nghe nỗi sợ của em, không hiểu sao khi ấy, trong tôi như có chung nỗi lo với em vậy.

Đường về nhà em không dài lắm, chỉ có một lúc là đã về đến rồi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà của em là nó khá nhỏ so với những gì tôi đã nghĩ, màu sơn trắng bóc đơn giản, ngoài sân chỉ là một mảng trắng trống trãi, cửa sổ thì rèm kéo lại sau lớp kính mờ chẳng thể thấy được bên trong, cánh cổng hoen gỉ nối với bức tường xám xịt. Bằng cách nào đó mà ngôi nhà của em đối với tôi trông thật tù túng, bí bách, lạnh lẽo đến cả người qua đường còn thấy rõ.

Em cứ chôn chân trước cổng, em ôm chú Ralts thật chặt.

Em sợ? Phải! Em sợ và tôi biết rõ điều ấy.

Tớ sẽ gửi thư cho cậu.

Tôi thốt lên.

Nếu cậu chuyển đi tớ sẽ gửi thư cho cậu.

Tôi nói thật lớn, thật rõ từng chữ một.

Thật không?

Em ngơ ngác hỏi.

Thật đấy.

Tôi hét lên thật lớn để khẳng định với em, hồi đó chưa có Rotom Phone như bây giờ nên liên lạc với nhau chỉ có thư từ với gửi tin nhắn trên máy tính, nhà tôi thì không có máy tính nên chỉ có thư từ là được thôi. Khi ấy em không trả lời, chỉ lặng nhìn tôi, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt ấy của em, tôi không biết em cảm thấy gì nhưng em trông thật… thật khó tả. Em luôn đẹp, nhưng hôm ấy ngoài vẻ đẹp tôi luôn trộm nhìn cái gì đó khác ở em, hoặc phải chăng cái gì đó khác ấy là từ tôi?.

Bỗng mẹ em từ đâu đã lao đến ôm lấy em, lúc ấy thì tôi vừa mừng cho em vừa xấu hổ vì sợ bác đã nghe thấy mấy lời lúc nãy.

Xui rủi là mẹ tôi cũng đi cùng mẹ em, lúc ấy ngại lắm, lại thêm chú Lucario của mẹ cứ nheo mắt nhìn tôi, chú lúc nào cũng nghiêm khắc nên lúc đó tôi sợ lắm. Cũng may mà chú ấy chỉ im ỉm mà nhìn thôi, còn mẹ chỉ ghẹo tôi một lúc rồi dắt tôi về nhà luôn. Lúc rời đi tôi lén nhìn em, em mỉm cười vẫy tay chào tôi, nụ cười ấy thật lạ, thật khác với lúc ở trường, tuy không rạng rỡ nhưng vẫn thật đẹp và cũng thật buồn, khi đã trưởng thành thi thoảng tôi vẫn gặp lại nụ cười ấy trong những giấc mơ.

Mấy ngày Tết năm đó, trời lạnh kinh người, đã rét buốt lại còn gió vù vù, mây kín trời chẳng cho một tia nắng lọt qua, dù thế thì mấy ngày ấy vẫn sẽ luôn thật vui. Nhưng năm đó tôi lại không còn thấy vậy nữa, bởi tôi khi đó đã khác, đã biết một câu chuyện buồn.

Thời tiết mấy ngày sau thì đỡ hơn nhiều, nắng rọi qua những tán mây sưởi ấm không khí sau những ngày Tết lạnh lẽo. Sáng sớm, tôi đến trường như mọi hôm trước Tết, vẫn cái cặp to đùng sau lưng được truyền lại từ thời ông bà, vẫn là con đường quen thuộc, khác là phía trước là con Deino.

Năm mới này là tôi được mười tuổi, nhưng kỳ sau mới chính thức được mang Pokemon theo ,chỉ có ngày đầu đi học lại là ngoại lệ thôi. Con Deino mù đường thi thoảng lại đâm đầu vào một cái gì đó như là cột điện, bức tường,…. Hoặc một ai đó, như cô nàng tôi thầm thương chẳng hạn. Tôi kéo em dậy rồi hỏi em ổn không, câu hỏi của tôi là về cả việc em ngã lẫn những chuyện em kể tối hôm trước, cơn gió lạnh lẽo bỗng thổi qua khi em trả lời, Deino co mình run lập cập, vẫn là dáng vẻ hiền dịu đoan trang thường ngày ấy, vẫn nụ cười ấy, nhưng ánh mắt em lại chẳng giấu được nỗi buồn. Hôm ấy em đã nói dối tôi, và tôi, tên nhóc biết rõ điều ấy lại chọn im lặng xuôi theo lời em nói.

Mấy ngày sau nữa em đến nhà tôi ở tạm mấy hôm, tôi phải dọn phòng sang phòng ngủ bố mẹ để nhường phòng cho em, vì đấy là em nên tôi dọn phòng mà không thấy giận, chỉ có lo lắng, hồi hộp. Tôi lau chùi từng ngóc ngách thật sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc thật gọn gàng để khi em tới, em sẽ được ở trong một căn phòng vui vẻ.

Em được gửi đến để chờ khi bố mẹ em “yên ổn”, tôi biết điều ấy nên dù lòng có bừng lên niềm vui ít ỏi thì nỗi buồn của em cũng đã dập tắt niềm vui của tôi mất rồi. Em tới nhà tôi với một tâm trạng buồn, dù tôi cố bắt chuyện, làm trò này kia để em vui thì nụ cười của em cũng chỉ cười xã giao, như những nụ cười ngày trước mà tôi lén nhìn em ở trường. Tôi tự hỏi rằng có bao giờ em thật sự vui không? Đã bao giờ em có một người mà em thực sự có thể thoải mái cười không? Nụ cười em trao tôi đêm hôm ấy, có phải thật lòng?

Nhà tôi vốn có nhiều Pokemon, đó là những người bạn đã đồng hành cùng bố mẹ từ thời niên thiếu nên nhà lúc nào cũng đông vui, nhưng khi em tới không khí lại có phần chùng xuống, mỗi khi chiếc điện thoại bàn nhà tôi reo chuông em lại cuống hết lên, em cứ hỏi bố mẹ tôi rằng bên đầu dây kia có phải bố mẹ em không, và khi đúng là họ, em khóc, em van họ đừng rời xa nhau. Thi thoảng đêm đến, tôi nghe thấy tiếng em khóc thút thít trong phòng.

Dần dần em khép mình với mọi người, những tin đồn được đám học sinh dựng lên quanh em, những điều không hay mà mẹ em lo sợ. Tôi thường kéo em đến thư viện vì nơi đó yên tĩnh, có thầy cô ở đấy để em không bị làm phiền. Tại đó tôi sẽ tìm những quyển sách hay đưa cho em, hoặc cùng nhau học bài ở đấy, tôi hỏi em những câu tôi không biết làm, rồi em sẽ chỉ tôi những câu đấy, em giảng dễ hiểu lắm không như lời ru của thầy cô giáo trên lớp.

Ở cái tuổi đó, nếu mà một đứa con trai chơi thân với một đứa con gái hay là ở bên nhau nhiều thì sẽ bị trêu là yêu nhau. Tôi và em cũng không phải ngoại lệ, đám học sinh sẽ đứng bên ngoài thư viện chỉ trỏ, hay đợi ở cổng trường hét lên như lũ khỉ khi tôi và em đi qua.

Đừng để ý đến bọn nó, cậu mà quay lại là còn bị ghẹo thêm nữa.

Em lờ đi chúng nó, còn tôi thì bắt chước em.

Chúng tôi âm thầm đi qua những ngày không mấy vui vẻ ấy, chỉ cần có em thì mấy thứ vô nghĩa bọn đấy nói có là gì.

Rồi một ngày, trên đường đi học về chúng tôi đi ngang qua nhà em, nơi ấy giờ thật khác. Màu sơn tươi sáng thay cho màu trắng xám xịt, bức tường quanh ngôi nhà được vẽ thêm những cành hoa lá, cánh cổng hoen gỉ đã được thay mới, sân có một số chậu cây cảnh chưa sắp xếp xong và rèm không che đi cửa kính nữa. Trong nhà là một cặp vợ chồng, họ đang dọn dẹp căn phòng, trên chiếc ghế sáng màu gần họ là một bé Ralts như đang ngân nga giai điệu gì đó.

Về thôi.

Tôi kéo em rời khỏi nơi hạnh phúc tràn ngập mà khiến cho em đau buồn đó.

Gia đình tớ có thể trở nên như vậy nếu bố mẹ hòa thuận không?

Em hỏi sau một đoạn đường dài.

Tớ không biết.

Tôi lí nhí trả lời.

Nếu không có tớ thì…

Em ngập ngừng.

“… Bố mẹ có bỏ nhau không?

Tôi không trả lời mà kể em nghe về câu chuyện của chú Lucario của mẹ. Chú ấy từng là một Riolu bị bỏ rơi, mẹ thu phục được chú khi chú đang cố trộm thức ăn của bà, rồi một thời gian thật lâu sau, trải qua cuộc hành trình đầy vui buồn, chú ấy trở thành một Lucario mạnh mẽ.

Cậu biết tại sao chú ấy lại có thể tiến hóa không? Vì chú ấy nhìn về phía trước, chú chọn tin tưởng một lần nữa. Cậu sẽ như chú ấy thôi, chỉ cần cậu bước tiếp.

Tôi nói rồi tặng em chiếc khăn quàng cổ tôi chuẩn bị từ hồi trước Tết, tôi đã dồn hết toàn bộ tiền tiết kiệm trong con Meowth đất để mua, tôi tính tặng em hồi Đông rồi nhưng giờ mới dám.

Em im lặng trước món quà ấy của tôi, tôi không biết lúc em nhận quà nghĩ gì nữa, vui? Buồn? Giận? Tôi chẳng biết, và cũng không muốn biết nữa, tôi chỉ mong mỗi khi ở cạnh em không còn cảm giác buồn bã nữa. Tôi đã thành công, dù chỉ là một chút, em đã mỉm cười, nhẹ nhưng thật đẹp.

Tác giả: Thanh Nguyễn.

TỪ TRANH MINH HỌA – THÀNH CHUYỆN CÙNG KỂĐọc tiếp phần 2