MÔ HÌNH GIẤY POKEMON – POKEMON PAPERCRAFT

 

Mô hình Pokemon giấy VPokedex

Hầu như tất cả mọi người đều biết đến nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản. Chỉ cần một hoặc một vài tờ giấy, bằng sự khéo tay là ta có thể gấp được những hình thù rất đẹp mắt. Và đặc điểm của Origami là những hình thù mà bạn tạo ra hoàn toàn là bằng những nếp gấp mà không cần phải cắt hay dán gì cả. Nên thành ra nó khá đơn giản – về mặt quy mô. Thế nhưng khi với Pokemon Papercraft, hay còn gọi là mô hình giấy Pokemon thì ngược lại, các mô hình giống như là bản in 3D của các con Pokemon thật sự… Nó đòi hỏi bạn phải cắt, dán nhiều hơn. Nếu là những mô hình đơn giản thì không nói làm gì, nhưng có rất nhiều mô hình phức tạp đến mức đòi hỏi bạn phải cắt rất nhiều chi tiết, thậm chí có những mô hình lên tới hàng trăm, hàng nghìn chi tiết là chuyện bình thường. Thế nên bộ môn này tuy không tốn nhiều chi phí như là figure Pokemon, nhưng đổi lại nó lại cần một sự kiên nhẫn nhất định.

Đầu tiên để có thể làm được một mô hình Pokemon giấy như mong muốn thì cần phải có các tờ giấy đặc biệt có in hình các chi tiết của con Pokemon mà ta cần lắp ráp, được gọi là KIT. Hiện nay trên internet có rất nhiều shop online bán các KIT đã được in sẵn, và bạn chỉ cần mua về và cắt, xếp theo hướng dẫn là hoàn thành. Mặc dù các KIT bán sẵn này in trên loại giấy tốt, đẹp, dễ lắp ráp nhưng các loại mẫu mã thì lại không được phong phú. Chính vì vậy, để thỏa mãn niềm vui khi tự tay hoàn thành một mô hình hoàn chỉnh nhiều bạn đã chọn cách là download các file KIT được chia sẻ trên internet rồi mang đi in, chi phí cũng vì thế mà thấp đi rất nhiều.

Bài dưới đây sẽ là hướng dẫn sơ bộ cho các bạn mới “nhập môn” với bộ môn Pokemon Papercraft này.

DỤNG CỤ VÀ NGUYÊN LIỆU CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI LẮP RÁP

Thước – Cùng với viết hết mực để rọc các đường thẳng trên KIT hoặc kẻ các nếp thẳng. Tốt nhất thì nên sử dụng thước kim loại.

Cutting Mat – Còn gọi là thảm cắt giấy, một loại tấm lót để giúp đường cắt ổn định, hạn chế lưỡi dao bị cùn khi sử dụng. Các bạn có thể tìm đến các văn phòng phẩm để mua, với những bạn học sinh sinh viên có thể lựa loại thảm cỡ A4 thôi là được.

Kéo – Nên sử dụng loại kéo có phần mũi nhọn nhỏ và bén, cảm giác thoải mái khi cầm, chỉ sử dụng kéo cho những mô hình có dạng uốn cong, không khuyến khích các bạn dùng thay thế dao rọc giấy hay dao cắt kỹ thuật.

Dao – Có thể sử dụng dao rọc giấy hoặc dao mổ trong y tế, ban đầu các bạn có thể sử dụng dao rọc giấy vì dễ tiếp cận và sử dụng, khi lâu dài nên sử dụng dao y tế cho đường cắt mượt mà hơn (có thể mua ở các tiệm thuốc tây, nói lấy cán số 3, lưỡi dao số 11).

Nhíp – Giúp giữ những bộ phận khi dán lại với nhau, đặc biệt là các chi tiết nhỏ khó có thể cầm bằng tay được.

Keo dán – Ưu tiên keo 502 và keo sữa (loại keo này thường được bán ở các tiệm thiết bị xây dựng). Keo 502 cố định tốt cho những mô hình có độ chi tiết cao, hạn chế của keo 502 là rất dễ lem ra mô hình, chỉ nên dùng keo 502 để cố định phần bên trong, những nơi khó thấy bằng mắt thường. Các trường hợp còn lại nên sử dụng keo sữa, keo sữa cũng có khả năng bám dính tốt, điểm trừ ở đây chỉ là mùi hơi chua thôi. Khi dán, ta có thể sử dụng phần nhọn của cây nặn mụn để phết keo lên bề mặt giấy, vì phần này rất nhọn nên có thể phết keo chính xác mà không để lại phần thừa nếu như ta muốn chỉnh sửa.

Dụng cụ tạo lằn – Bạn có thể sử dụng bút bi đã hết mực hoặc dụng cụ chuyên dụng để tạo các nếp gấp. Một số bộ phận sẽ cần tạo các đường cong thay vì chỉ gấp lại. Có thể dùng đũa hoặc bất cứ thứ gì mà bạn có thể cuộn giấy lại được.

Giấy – Nên chọn giấy có định lượng từ 120 – 180gsm. Đa phần các tiệm in sẽ chuyên dùng loại 180gsm. Nếu các bạn thấy khó gấp thì có thể lựa những giấy có định lượng thấp hơn để uốncong, cũng như tạo nét cho sản phẩm dễ dàng hơn.

KIT – KIT có thể chia ra làm hai dạng, dạng 3D và dạng PDF. Dạng PDF của KIT là dữ liệu được trích xuất từ dạng 3D, đây là file mà chúng ta dùng để in ấn sau khi đã rã ra từ một mô hình 3D hoàn chỉnh.

PepaKura Viewer – Là phần mềm dùng để xem bản in 3D của các mô hình giấy, có đuôi file là .pdo (thường đính kèm trong file bản in mà bạn đã tải). Trong phần mềm này, bạn sẽ thấy được model 3D của mô hình mình chuẩn bị lắp ráp, nó còn thể hiện rõ vị trí các mảnh ghép của mô hình để bạn dễ hình dung hơn khi lắp ráp.

Sơn bóng – Là bước cuối cùng của quá trình lắp ráp. Giúp giữ cho màu sắc của mô hình trở nên tươi tắn hơn. Bạn có thể ra tiệm thiết bị xây dựng mua loại sơn A10 ATM để sử dụng nhé.

LẮP RÁP VÀ MẸO VẶT

  • Khi tải file bản in trên internet về, trong file sẽ gồm nhiều file khác nhau. Bạn chỉ cần chú ý đến các loại file sau: File Lined (file màu có các đường nét gấp, hỗ trợ cho những bạn mới chơi vì file này thường sẽ có các đường kẻ dễ dàng cho việc đi lằn cũng như ghép nối, nhược điểm là khi thành phẩm, các đường kẻ sẽ bị thấy được bằng mắt thường), file EdgeID (file trắng có các đường nét gấp), và file Lineless (file màu không có đường kẻ).
  • Riêng folder Textures thì chúng ta không cần thiết sử dụng. Vì nó chủ yếu được mở trên phần mềm PepaKura Viewer nhằm thay đổi màu sắc của mô hình trong trường hợp chúng ta muốn đổi màu theo ý thích.
  • Khi in, chúng ra sẽ in ra 2 mặt, 1 mặt là file EdgeID (trắng đen) và mặt còn lại là Lineless (in màu). Tuy nhiên, bạn cần phải chỉnh 1 trong 2 file đó đối xứng nhau qua theo chiều ngang (Flip Horizontal), để khi in 2 mặt nó khớp nhau luôn chứ không bị đối nhau. Cái này bạn phải chỉnh thủ công trước rồi đem đi in sau nha. Trên google có tool online để flip 1 file PDF theo hướng bất kỳ đó.
  • In xong, ta cần phải phân nét trước ở mặt in trắng đen (mặt trái), để sau khi cắt ra sẽ dễ gấp hơn. Có thể quy định đường kẻ bút mực là các nét gấp thung lũng (nét gạch đứt), đường kẻ bút chì là các nét gấp núi (nét chấm – gạch đứt). Cuối cùng, cắt các chi tiết ra theo các đường nét liền. Các nét tam giác lòi ra tức là các bề mặt cần dán nối. Còn nếu bạn chỉ in 1 mặt với dạng file Lined thì quy định gấp các đường kẻ sẽ ngược lại.
  • Dựa vào số trên các chi tiết, ta có thể gấp theo thứ tự, và nối chúng lại với nhau khi có cùng số, với mặt in màu là mặt chính diện, còn mặt in trắng đen là mặt trái phía trong mô hình. Khi nối các chi tiết, dùng tăm hoặc những vật nhọn để có thể phết keo một cách chính xác nhất. Lưu ý là đừng nên sài tăm bông vì rất dễ để lại phần bông trên mô hình.
  • Khi lắp ráp một số bộ phận hình khối hay toàn mô hình, muốn mô hình có độ cứng cáp nhất định ta có thể tận dụng chèn thêm các giấy vụn trong lúc cắt giấy để cho bộ phận đó nặng và chặt, cũng như khó bị gãy khi ta di chuyển. Trong lúc lắp ráp cũng nên kết hợp mở xem bản vẽ 3D của mô hình để có thể lắp các vị trí nhanh và chính xác hơn.
  • Kết thúc lắp ráp, có thể phủ nó bằng một loại sơn bóng để giúp mô hình tươi tắn hơn. Khi xịt sơn, cần lưu ý xịt thật nhẹ nhàng, tránh bị lem màu và ướt giấy quá mức. Xịt từ 2-3 lần, phơi trong môi trường nắng nóng tầm 4-5h sau mỗi lần xịt. Bước này là không bắt buộc.

Hiện nay, có rất nhiều mô hình Pokemon giấy được chia sẻ trên internet, từ miễn phí đến trả phí đều có, bạn có thể chọn bất cứ mô hình nào mà bạn cảm thấy yêu thích. Ở đây, mình xin chia sẻ hai nơi miễn phí nổi tiếng nhất để cho mọi người tham khảo, cũng như có thể gắn bó lâu dài là PaperPokésJav-Papercraft. Tuy nhiên, sẽ có nhiều bạn quan niệm rằng một mô hình bằng giấy thì không nên bỏ thêm tiền cho một file .pdo, đây là một quan niệm sai lầm của cộng đồng Pokemon papercraft nói riêng, cũng như cộng đồng papercraft nói chung. Đừng ngần ngại trước một mô hình tốn phí, nếu bạn thực sự đam mê thì niềm đam mê của các bạn vừa là động lực, vừa là nguồn thu nhập cho rất nhiều nhà sáng tạo trong và ngoài nước, hãy bài trừ và tẩy chay những hành vi ăn cắp KIT thương mại để hướng tới một môi trường Papercraft lành mạnh nhé!